tỷ suất sinh của các cặp vợ chồng trên địa bàn thành phố đã xuống đến mức thấp kỷ lục khiến dân số rơi vào giai đoạn già hóa. Thành phố cần nhiều chính sách hỗ trợ, khuyến khích phụ nữ sinh thêm con để ngăn chặn những hệ lụy trong tương lai.
Những người làm công tác dân số ở TP.HCM cho biết, hiện nay, mức sinh ở thành phố lớn nhất cả nước đang ở mức 1,33 con/phụ nữ trong độ tuổi sinh sản, thấp nhất cả nước, thậm chí là thấp hơn nhiều quốc gia có tỷ lệ dân số già như Nhật Bản, Đức… Theo các chuyên gia, trong tương lai gần, nếu con số tiếp tục giảm thì không chỉ TP.HCM mà cả nước sẽ phải đối mặt với nhiều vấn nạn của nguy cơ dân số già, vốn là một trong những khó khăn rất lớn và đáng lo ngại của nhiều quốc gia phát triển hiện nay.
Thực tế cho thấy, việc chăm sóc, nuôi dưỡng một em bé đã khiến nhiều người cảm thấy bị áp lực từ áp lực nơi gửi giữ và chăm sóc con, đến những áp lực ở đô thị như kẹt xe, đưa đón con tới trường. Thậm chí, những áp lực đến từ những tờ hóa đơn, đè nặng lên vai mỗi tháng như tiền thuê nhà, tiền điện nước, sinh hoạt, đóng học cho con, chữa bệnh... khiến cho không ít gia đình rất ngại sinh con. Tuy nhiên, ở góc độ làm công tác dân số lại có những lý giải khác.
Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình TP.HCM cho rằng, lý do khuyến khích người dân sinh con, vì tỉ lệ sinh quá thấp như hiện nay, sẽ ảnh hưởng đến các vấn đề rất lớn trong tương lai như dân số già, vấn đề nguy cơ "quá tải" quỹ bảo hiểm xã hội. Trong khi hiện nay, các nhà dưỡng lão, những hạ tầng cho người lớn tuổi còn rất kém.
Chi cục đề xuất Sở Y tế TP.HCM tham mưu UBND trình HĐND TP.HCM ban hành Nghị quyết về chính sách dân số và phát triển tại TP.HCM giai đoạn 2021-2025, qua đó có chính sách y tế, giáo dục cụ thể để khuyến khích người dân sinh thêm con.
Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình TP.HCM cũng kiến nghị Bộ Y tế, Tổng cục Dân số - kế hoạch hóa gia đình tham mưu đề xuất đưa vào Dự thảo Luật dân số nội dung "Mỗi cặp vợ chồng được quyền quyết định số con" hoặc cân nhắc việc sửa đổi cho phép sinh con thứ ba tại các vùng mức sinh thấp. Đồng thời, không xem xét kỷ luật, giảm mức đánh giá thi đua hàng năm đối với cán bộ, công chức, viên chức sinh con thứ ba trở lên...
Đồng tình với đề xuất khuyến sinh, Tiến sĩ Lê Trường Giang, nguyên Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho rằng, hình ảnh dân số già, thiếu hụt lao động trẻ và những hệ lụy kèm theo của nước Nhật ngày hôm nay cũng sẽ là hình ảnh của TP.HCM trong 20-30 năm tới nếu không khuyến sinh để kéo tỷ lệ sinh lên từ bây giờ.
TP.HCM đang tính đến việc khuyến khích người dân sinh con do những lo lắng về thiếu hụt nhân lực trong tương lai. Tuy nhiên, ngay khi thành phố có chủ trương khuyến khích sinh con thứ hai, thứ ba, đã có nhiều ý kiến bày tỏ sự băn khoăn thậm chí là phản đối vì cho rằng hạ tầng hiện nay đang quá tải, nếu sinh thêm nữa thì thành phố sẽ như thế nào?
Từ chính sách hạn chế sinh "Mỗi cặp vợ chồng chỉ nên sinh từ 1 đến 2 con" sang chính sách khuyến khích sinh con "Mỗi cặp vợ chồng được quyết định số con của mình" không chỉ là thay đổi khẩu hiệu và câu chữ. Đây còn là sự thay đổi chính sách dân số và phát triển của đất nước cho vài chục năm, thậm chí cả trăm năm sau. Do đó, chính sách ấy cần được đo lường bằng các con số cụ thể.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!