Trục lợi bảo hiểm y tế: Chế tài xử lý chưa đủ mạnh

Bích Thủy, Vũ Em (Trung tâm Tin tức VTV24)-Thứ ba, ngày 13/06/2017 20:01 GMT+7

VTV.vn - Mặc dù Quỹ BHYT bị tổn thất nghiêm trọng từ sự lạm dụng của bệnh nhân nhưng trên thực tế, các hành vi trục lợi vẫn chỉ dừng ở việc cảnh cáo và yêu cầu bồi hoàn.

Để kịp thời ngăn chặn hành vi gian lận trục lợi BHYT và phát huy hiệu quả của chính sách BHYT, Bộ Y tế đã yêu cầu giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, thủ trưởng y tế các bộ, ngành tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra phòng chống hành vi gian lận, trục lợi Quỹ BHYT tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Ngày 15/6 là đến hạn các địa phương đơn vị báo cáo kết quả về Bộ. Tuy nhiên, một băn khoăn đặt ra là việc các cơ quan chức năng sẽ xử lý hành vi này như thế nào khi mà các chế tài liên quan hiện nay vẫn chưa đủ mạnh.

Một ví dụ là mỗi hộp thuốc Nexavar có tác dụng điều trị ung thư gan ở Bệnh viện K có giá gần 60 triệu nhưng khi bệnh nhân trục lợi bán ra ngoài chỉ dao động từ 26 đến 28 triệu đồng. Hay trường hợp một bệnh nhân trong vòng 6 tháng đã đi khám bệnh tới 319 lần. Khi bị phát hiện, số tiền ông phải trả lại Quỹ Bảo hiểm Y tế là hơn 9 triệu đồng.

Tuy nhiên, ông Lê Văn Phúc - Phó Trưởng ban phụ trách Ban thực hiện chính sách BHYT, BHXH Việt Nam cho biết hiện chưa có chế tài xử phạt hành vi người dân dùng thẻ BHYT đi khám nhiều lần.

Đối với các cơ sở tế hiện nay, việc xử lý các hành vị có trục lợi mới chỉ dừng việc bị cảnh cáo, phạt tiền và buộc khắc phục hậu theo Nghị định 176/2013/NĐ/CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế. Thậm chí, đối với nhiều trường hợp có trục lợi gây hậu quả nghiêm trọng, việc xử lý hình sự chỉ có thể thực hiện khi các cơ quan điều tra phát hiện các tội như làm khống hồ sơ sẽ truy cứu hình sự về tội làm giả giấy tờ bởi Luật Hình sự hiện vẫn chưa có quy định về tội trục lợi bảo hiểm

Còn về phía Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, do chỉ có chức năng thanh tra công tác đóng BHYT nên khi phát hiện ra hành vi trục lợi, cơ quan này chỉ có thể thực hiện xuất toán chứ không thể xử phạt. Trong 4 tháng đầu năm 2017, BHXH Việt Nam đã từ chối thanh toán với số tiền gần 3.000 tỷ đồng.

Cùng với các giải pháp khác, một chế tài mạnh đang được hi vọng sẽ tạo nên sức răn đe đối với cá nhân và tổ chức có hành vi lạm dụng BHYT.

Bảo hiểm y tế - Điểm tựa của bệnh nhân ung thư Bảo hiểm y tế - Điểm tựa của bệnh nhân ung thư Đề xuất giải pháp ngăn chặn trục lợi bảo hiểm y tế Đề xuất giải pháp ngăn chặn trục lợi bảo hiểm y tế Bảo hiểm từ chối thanh toán 3.000 tỷ đồng tiền bảo hiểm y tế Bảo hiểm từ chối thanh toán 3.000 tỷ đồng tiền bảo hiểm y tế

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước