Theo cấp chính quyền cơ sở, dù họ được giao trách nhiệm kiểm tra, quản lý khoáng sản và chống tái diễn vấn nạn này và bản thân họ cũng đã huy động lực lượng vào cuộc để xử lý. Thế nhưng công cụ pháp lý cấp chính quyền cơ sở hiện có lại chưa tương xứng với hành vi của các đối tượng cát lậu.
Tại sông La Ngà, đoạn chảy qua 3 xã miền núi thuộc huyện Tánh Linh, một đại công trường khai thác cát lậu rầm rộ suốt ngày đêm. Các đối tượng ngang nhiên móc đất, đá làm hẳn đường để vận chuyển cát. Thế nhưng theo UBND xã Đồng Kho, cái khó là họ không có đủ thẩm quyền để xử lý mạnh tay.
Đại diện chính quyền xã Đồng Kho lý giải, theo Nghị định 33 năm 2017 của Chính phủ về quy định xử phạt hành chính đối với khai thác khoáng sản, thẩm quyền của cấp cơ sở chỉ cảnh cáo, cao hơn là xử phạt đến mức 5 triệu đồng, nếu tịch thu phương tiện giá trị chỉ dưới 5 triệu đồng. Trong khi thực tế, một chiếc máy bơm có giá đến vài chục triệu đồng. Và mỗi cơ cở khai thác cát, mỗi ngày thu nhập từ vài chục, thậm chí đến vài trăm triệu đồng.
Quyền hạn chỉ vậy, trong khi trách nhiệm chống cát tặc lại được giao phó cho cấp xã. Tuy nhiên, lời kêu khó này không được cấp tỉnh chấp nhận.
Dưới bảo khó, trên nói không, trong khi cả tỉnh có đến 39 xã xảy ra nạn khai thác cát lậu. Và cát lậu ngày càng biến tướng hơn, lộng hành hơn, hết khai thác dưới sông đến phá núi; hết phá núi thì vào cả thung lũng trong rừng sâu nạo vét.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!