Thái Bình phát huy hiệu quả chuỗi liên kết trong sản xuất nông nghiệp

Trung tâm Phim tài liệu và phóng sự-Thứ sáu, ngày 28/10/2016 21:56 GMT+7

VTV.vn - Mối liên kết hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp tại tỉnh Thái Bình đã mang lại nhiều lợi ích cho người nông dân, doanh nghiệp cũng như chính quyền địa phương.

Xây dựng một mối liên kết bền chặt giữa các bên trong sản xuất nông nghiệp từ lâu đã là một việc làm hết sức cần thiết. Trong giai đoạn mới, mối liên kết này cần được coi trọng, đặc biệt là sự liên kết giữa doanh nghiệp với người nông dân. Tuy nhiên không phải địa phương nào cũng thực hiện tốt và hiệu quả mối liên kết này.

Cánh đồng mẫu lớn có diện tích trên 50ha, thuộc xã Đông Hoàng, huyện Tiền Hải, của tỉnh Thái Bình  chính là kết quả của mối liên kết giữa doanh nghiệp, hợp tác xã, và người nông dân trong bốn năm qua. Trước đây, cánh đồng này khi chưa dồn điền đổi thửa, mạnh ai lấy làm, cấy đủ các loại giống lúa, mỗi thửa ruộng một kiểu chăm sóc nên chất lượng và hiệu quả kinh tế không cao. Khi có chủ trương xây dựng cánh đồng mẫu lớn, hợp tác xã đã đại diện cho bà con xã viên, chủ động bắt tay với doanh nghiệp trong việc tổ chức lại sản xuất.

Ông Nguyễn Quốc Đỉnh, Giám đốc Hợp tác xã sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Đông Hoàng, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình chia sẻ kinh nghiệm: "Để có thu nhập cho bà con nông dân có giá trị sản phẩm cao hơn, chúng tôi có liên kết với công ty Hưng Cúc. Liên kết đảm bảo cho bà con nông dân cấy các loại giống theo quy trình mà công ty cung cấp. Thứ hai, đến mùa thì công ty sẽ bao tiêu sản phẩm, hàng vụ công ty cung cấp toàn bộ giống, đầu tư giống, phân bón, các loại hỗ trợ. Đến cuối năm, công ty chịu trách nhiệm thu mua hết toàn bộ số sản phẩm đó cho bà con nông dân". 

Thái Bình phát huy hiệu quả chuỗi liên kết trong sản xuất nông nghiệp - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Quốc Đỉnh, Giám đốc Hợp tác xã sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Đông Hoàng, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình

 Một trong những tồn tại lớn đối với ngành nông nghiệp của Việt Nam, đó chính là đầu ra cho nông sản hàng hóa, tình trạng được mùa mất giá năm nào cũng có. Do vậy, khi được doanh nghiệp ký hợp đồng đảm bảo thu mua hết sản phẩm, bà con hết sức yên tâm, tập trung vào sản xuất.

Bên cạnh đó, nhờ kiểm soát được chặt chẽ quy trình chăm sóc, thu hoạch, nên sản phẩm của hợp tác xã Đông Hoàng chưa bao giờ bị phía công ty trả lại, mối liên kết vì thế ngày càng bền chặt hơn. Doanh nghiệp phát triển, người nông dân gắn bó và sống được với sản xuất nông nghiệp là một trong những mục tiêu quan trọng hiện nay.

Theo ông Lý Thái Hưng, giám đốc công ty TNHH Hưng Cúc, kể từ khi thực hiện liên kết với các vùng trồng lúa trong tỉnh đến nay, đã có 30 hợp tác xã tham gia với diện tích trên 2000 ha. Sự tăng trưởng đáng mừng trên đã minh chứng cho một hướng đi hoàn toàn đúng đắn, xác lập cho cây lúa Thái Bình có được chỗ đứng vững chắc hơn.

Hiện nay, huyện Tiền Hải có trên 10.000 ha đất trồng lúa. Toàn huyện đã xây dựng được 30 cánh đồng mẫu ở 28 xã, với diện tích trên 1700 ha. Nhờ có những thay đổi tích cực từ việc xây dựng mối liên kết sản xuất mà đời sống của người nông dân đã có được sự thay đổi đáng kể, diện mạo một vùng quê mới đang được hình thành.

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tạiTV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước