Ngành công nghiệp thời trang toàn cầu trị giá 1,7 nghìn tỷ USD đang chứng kiến làn sóng ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) ngày càng mạnh mẽ, hứa hẹn mang lại những cải thiện về môi trường nhưng cũng đặt ra thách thức lớn về việc làm.
Tại Bangladesh, nhà máy may mặc Fakir Fashions đang sử dụng AI để tự động dừng sản xuất khi phát hiện lỗi trong quá trình dệt, giúp tránh lãng phí nguyên liệu. Giám đốc điều hành Fakir Kamruzzaman Nahid cho biết công nghệ này đã giúp công ty tiết kiệm được chi phí kiểm soát chất lượng khi giảm được hàng chục nhân viên.
Theo khảo sát của McKinsey, 73% lãnh đạo ngành may mặc coi AI là ưu tiên trong những năm tới. Tập đoàn H&M, nhà bán lẻ quần áo lớn thứ hai thế giới, đang đầu tư vào công nghệ AI để tái chế chất thải và giảm thiểu nạn phá rừng.
Tuy nhiên, việc áp dụng AI cũng đặt ra lo ngại về việc làm. Theo Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), khoảng 2,7 triệu công nhân may mặc Bangladesh (chiếm 60% lực lượng lao động ngành) có nguy cơ mất việc do tự động hóa trong đó có AI.
"Ngành công nghiệp thời trang cần có kế hoạch đào tạo lại công nhân để họ có thể giữ được việc làm hoặc chuyển sang ngành nghề khác trong những năm tới" - ông Amirul Amin, Chủ tịch Liên đoàn Công nhân May mặc quốc gia Bangladesh nhận định.
Một số chuyên gia lạc quan hơn cho rằng, AI sẽ bổ sung chứ không thay thế hoàn toàn con người. Theo kỹ sư AI Zahid Hasan, mặc dù các công việc đơn giản có thể bị thay thế, nhu cầu về kỹ sư và kỹ thuật viên được trả lương cao hơn sẽ tăng lên.
"Chúng ta vẫn đang ở giai đoạn đầu của cuộc cách mạng AI trong ngành thời trang. Điều quan trọng là cần có chiến lược để tận dụng sức mạnh của AI vì lợi ích của người lao động và môi trường" - chuyên gia Shahriar Akter từ Đại học Wollongong (Australia) nhận định.
Google dùng AI để viết code VTV.vn - Theo CEO Alphabet Sundar Pichai, Google đang sử dụng trí tuệ nhân tạo để tạo ra hơn một phần tư các đoạn code mới.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!