Trước phán quyết của Ủy ban chống độc quyền châu Âu buộc Apple phải nộp bổ sung số thuế lên đến 14,6 tỷ USD, Apple đã có một thông điệp khiến nhiều người khá "sốc" đó là châu Âu phải lựa chọn giữa số tiền thuế hoặc số công ăn việc làm mà Apple đang mang đến cho châu Âu.
Tuần trước, Ủy ban châu Âu (EC) đã buộc chính phủ Ireland phải thu hồi 13 tỷ Euro (tương đương 14,6 tỷ USD) tiền thuế mà theo EC Apple đã "lách luật" để không phải trả trong khoảng thời gian từ năm 1991 đến 2015.
Trước phán quyết này, Apple đã chính thức lên tiếng và cho rằng "điều này sẽ ảnh hưởng sâu sắc và có tác hại về đầu tư và tạo việc làm tại châu Âu", đồng thời Apple gửi đi một thông điệp cho thấy rằng "châu Âu sẽ có thuế hoặc có việc làm, nhưng Apple không có tâm trạng để mang đến cả hai".
"Đây là một hành động rõ ràng nhắm vào Apple, sự ảnh hưởng sâu sắc và có hại nhất của phán quyết này đó là việc đầu tư và tạo việc làm ở châu Âu. Theo lý thuyết của Ủy ban, mỗi công ty tại Ireland và khắp châu Âu đột nhiên có nguy cơ bị chịu thuế theo luật mà không bao giờ tồn tại", thông báo đưa ra của Apple cho biết.
Dù vậy, Apple cũng đưa ra lời trấn an với chính phủ Ireland, những người mang lại rất nhiều lợi ích cho Apple trong thời gian qua: "Chúng tôi cam kết với Ireland và chúng tôi có kế hoạch tiếp tục đầu tư ở đây, phát triển và phục vụ khách hàng với cùng một mức độ của niềm đam mê và sự cam kết".
Dĩ nhiên, Apple hoàn toàn có cơ sở cho lời "đe dọa" của mình.
Trước đó, vào năm 1991, Apple đã đạt được một thỏa thuận với chỉnh phủ Ireland về việc "quả táo" sẽ chỉ phải trả một mức thuế cực kỳ thấp nếu Apple đặt cơ quan điều hành khu vực châu Âu tại Ireland.
Trong vòng 25 năm qua, Apple đã tạo ra hàng ngàn công ăn việc làm tại Ireland. Tính đến năm 2015 đã có 5.000 người Ireland làm việc tại Apple. Một 1.000 nhân viên khác dự định sẽ được tuyển dụng làm việc cho trụ sở của Apple tại thủ đô Cork của Ireland. Năm nay, Apple cũng sẽ mở một văn phòng khác tại thị trên Athenry với khoảng 200 người mới được tuyển dụng.
Kết quả của thỏa thuận giữa Apple và Ireland là rất rõ ràng: Apple được hưởng lợi về thuế và Ireland được Apple giải quyết vấn đề công ăn việc làm cho công dân nước mình.
Giờ đây, dù được hưởng ưu đãi về thuế, Apple vẫn là công ty nộp thuế lớn nhất tại Ireland, kết hợp với việc tạo ra hàng ngàn công ăn việc làm, rõ ràng "quả táo" có quyền đòi hỏi nhiều thứ tại quốc gia này.
Apple có thực sự trốn thuế?
Dù vậy, theo Margrethe Vestager, ủy viên của Ủy ban cạnh tranh Liên minh châu Âu vẫn tin rằng thỏa thuận giữa Apple và chính phủ Ireland là một sự lừa đảo và vi phạm luật pháp châu Âu. Kết quả điều tra kéo dài 3 năm của Ủy ban này cho biết Apple chỉ phải trả mức thuế thấp ở mức 0,005% vào năm 2014 tại Ireland. Bên cạnh đó, Apple tạo ra một "văn phòng ma" tại Ireland, không hề có nhân viên hoặc bất kỳ hoạt động nào, như thể được lập ra tại Ireland để được hưởng ưu đãi về thuế.
Đáng chú ý, phần quan trọng nhất trong kết quả điều tra về thuế của Apple đó là sự mâu thuẫn trong khẳng định lâu nay của Apple, khi "quả táo" không trả thuế doanh nghiệp tại Mỹ cho những khoảnh doanh thu ở nước ngoài (bên ngoài nước Mỹ) vì tái đầu tư vào các lãnh thổ nước ngoài, nơi mà Apple kiếm được doanh thu này. Báo cáo tài chính thường niên của Apple cũng cho biết "hầu hết thu nhập quốc tế đều được dự định tái đầu tư vô thời hạn vào các hoạt động bên ngoài nước Mỹ, được tạo ra bởi các công ty con hoạt động tại Ireland, với một mức thuế suất theo luật định là 12,5%".
Tuy nhiên, theo Ủy ban Cạnh tranh của EU thì tiền thu nhập tại châu Âu của Apple thực chất vẫn được gửi về Mỹ. Các công ty con của Apple tại Ireland đã có thỏa thuận chia sẻ chi phí với chi nhánh chính tại Mỹ, trong đó các công ty con này sẽ trả tiền cho chi phí nghiên cứu và phát triển của Apple tại Mỹ, đổi lại có thể sử dụng các tài sản trí tuệ của Apple.
"Hai công ty con của Apple tại Ireland là Apple Sales International và Apple Operations Europe chi trả thường niên cho Apple tại Mỹ để tài trợ nghiên cứu và phát triển thay cho các công ty Ireland tại Mỹ. Khoản thanh toán này đạt 2 tỷ USD vào năm 2011 và tăng mạnh vào năm 2014. Chi phí này, chủ yếu được chi trả bởi Apple Sales International, đóng góp để tài trợ cho hơn một nửa tất cả các hoạt động nghiên cứu của Apple tại Mỹ để phát triển tài sản trí tuệ của hãng trên toàn cầu", điều tra của Ủy ban cạnh tranh châu Âu khẳng định.
Không quá ngạc nhiên khi Apple sẽ kháng cáo lại phán quyết được đưa ra và sẽ mất nhiều năm để kết luận cuối cùng được công bố, lúc đó mới có thể khẳng định rằng Apple có "lách thuế" hay không.
Trên thực tế, 14,6 tỷ USD là một số tiền không hề nhỏ nhưng không quá lớn đối với Apple, chỉ tương đương doanh thu một tháng của "quả táo" và Apple luôn giữ một lượng lớn tiền mặt ở nước ngoài chính là vì không muốn để số tiền này dính dáng đến các vấn đề pháp lý mà công ty có thể bị đánh thuế.
Vần đề trước mắt mà các công ty đa quốc gia và nhiều chính trị gia ở Ireland nói riêng và châu Âu nói chung bận tâm đó là trong tương lai các công ty có được hưởng mức thuế mà họ mong muốn và về lâu dài phán quyết này có thực sự ảnh hưởng đến đầu tư và việc làm tại thị trường châu Âu hay không.