Bức tranh ICT Việt Nam năm 2020 có gì nổi bật?

Ban Thời sự-Thứ năm, ngày 31/12/2020 17:39 GMT+7

VTV.vn - Những sự kiện công nghệ thông tin - truyền thông tiêu biểu năm 2020 vừa được Câu lạc bộ Nhà báo công nghệ thông tin Việt Nam (ICT Press Club) công bố sáng nay tại Hà Nội.

Năm 2020, là năm rất đặc biệt vì đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng đến toàn bộ nền kinh tế xã hội của Việt Nam. Tuy nhiên, trong khó khăn đó, công nghệ lại nổi nên đóng góp mạnh mẽ đưa đất nước vào trạng thái bình thường mới.

Rất nhiều các công nghệ đã được ứng dụng và phát huy hiệu quả như ứng dụng Bluezone truy vết COVID-19 rất hiệu quả, phòng chống lây nhiễm trong cộng đồng. Các ứng dụng không tiếp xúc cũng đã được ứng dụng mạnh mẽ như các phương tiện thanh toán điện từ, học qua truyền hình hay các nền tảng học trực tuyến… đã hỗ trợ tích cực và hiệu quả đến việc phòng, chống COVID-19. Bên cạnh đó, các ứng dụng giúp hỗ trợ điều hành các bệnh viện chống dịch hay chẩn đoán, khám bệnh từ xa cũng đã phát huy hiệu quả mạnh mẽ trong đại dịch COVID-19.

Ngoài những phần công nghệ ứng dụng phòng chống COVID-19, chiến lược Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng được phê duyệt cũng là một điểm nhấn trong năm 2020. Chương trình xác định tầm nhìn đến năm 2030 Việt Nam trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng, tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới; đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của Chính phủ, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức sống, làm việc của người dân, phát triển môi trường số an toàn, nhân văn, rộng khắp.

Chương trình Chuyển đổi số quốc gia hướng tới mục tiêu kép là vừa phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có năng lực đi ra toàn cầu. Đây là một chiến lược nhiều chức năng, nhưng quan trọng nhất là ngoài việc tạo ra nguồn tăng trưởng của đất nước, nó còn giúp tăng năng suất lao động và làm thay đổi cơ cấu việc làm, tạo ra nhiều giá trị xã hội.

Một trong những điểm nhấn năm 2020 trong bức tranh ICT Việt Nam đó chính là việc 3 nhà mạng lớn tại Việt Nam gồm Viettel, VinaPhone, MobiFone được cấp phép và triển khai thử nghiệm thương mại 5G tại hai thành phố Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Với tốc độ triển khai thực tế cao hơn khoảng 10 lần so với 4G hiện tại, 5G được kỳ vọng sẽ giải quyết các bài toán khó hơn về mạng dữ liệu, mang tới những trải nghiệm tốc độ mượt mà hơn. Tại Việt Nam, 5G được kỳ vọng sẽ mang đến những trải nghiệm vượt bậc cho người dùng di động, những thay đổi ấn tượng thực chất của các ngành kinh tế. Việc triển khai 5G sớm sẽ giúp Việt Nam trở thành một trong những nước tiên phong ứng dụng công nghệ di động mới nhất, đồng thời trở thành động lực quan trọng để phát triển, ứng dụng các công nghệ mới, góp phần thúc đẩy chuyển đổi số, kinh tế số.

Cũng trong năm 2020, Viettel đã thực hiện cuộc gọi 5G đầu tiên trên thiết bị do chính Viettel sản xuất. Với sự kiện này, Việt Nam vào nhóm nước dẫn đầu thế giới trong việc triển khai mạng 5G trên các thiết bị do doanh nghiệp trong nước tự sản xuất. Hiện trên toàn thế giới chỉ có 5 công ty sản xuất thành công các thiết bị mạng 5G, là Ericsson, Nokia, Huawei, Samsung và ZTE. Viettel đã trở thành công ty thứ 6 trên thế giới sản xuất thành công thiết bị 5G. Đáng chú ý, chỉ có duy nhất nhà mạng của Việt Nam vừa là nhà khai thác viễn thông, vừa có khả năng tự sản xuất các thiết bị mạng.

Cùng với việc triển khai 5G, Việt Nam cũng đã triển khai chương trình smartphone giá rẻ. Theo đó, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng chỉ đạo Bộ TT&TT xác định rõ lộ trình phù hợp với phổ cập smartphone giá rẻ bảo đảm thuận lợi cho người dân dùng các dịch vụ số. Bộ TT&TT cho biết, việc phổ cập smartphone và mạng Internet đến từng người dân, từng hộ gia đình sẽ là cơ hội để thúc đẩy chuyển đổi số, kinh tế số và Chính phủ điện tử. Đồng thời, đẩy nhanh việc chuyển đổi sử dụng thiết bị đầu cuối từ 2G sang điện thoại thông minh 4G với mục tiêu sớm dừng công nghệ 2G để triển khai các công nghệ băng rộng di động thế hệ mới.

Các tập đoàn lớn của Việt Nam như Viettel hay Vingroup cũng đã tuyên bố tham gia chương trình phổ cập smartphone giá rẻ cho người dân. Viettel phối hợp cùng các nhà cung cấp Việt Nam có kế hoạch phân phối loạt smartphone 4G giá dưới 1,5 triệu đồng/máy và feature phone 4G có giá khoảng 400.000 đồng/máy.

Trong bối cảnh ảm đạm do dịch bệnh COVID-19 thì bức tranh ICT Việt Nam năm 2020 có khá nhiều điểm sáng khi hãng Foxconn - chuyên sản xuất các sản phẩm cho Apple đã chuyển một phần dây chuyền sản xuất máy tính bảng (iPad) và máy tính xách tay (MacBook) từ Trung Quốc sang Việt Nam theo yêu cầu của Apple. Việc Foxconn có khả năng chuyển một số hoạt động lắp ráp iPad sang Việt Nam sẽ đánh dấu đây là lần đầu tiên iPad được lắp ráp bên ngoài Trung Quốc. Apple đã tăng cường năng lực sản xuất iPhone tại Ấn Độ và các công ty lắp ráp AirPod bổ sung một số dây chuyền lắp ráp tại Việt Nam, với khoản đầu tư mới 270 triệu USD vào Việt Nam.

Ông Nguyễn Việt Phú - Chủ nhiệm ICT Press Club - cho biết, bức tranh tranh ICT năm 2020 có nhiều gam mầu sáng, tối được nhìn qua lăng kính khách quan của gần 50 nhà báo theo dõi lĩnh vực này. Câu lạc bộ Nhà báo CNTT Việt Nam, trực thuộc Hội Nhà báo Việt Nam, là nơi quy tụ những nhà báo hàng đầu hoạt động trong lĩnh vực CNTT-TT của gần 40 cơ quan báo chí trong cả nước. Nhiều năm qua, Câu lạc bộ Nhà báo CNTT Việt Nam đã tổ chức nhiều chương trình tọa đàm, hội thảo lớn, gây được tiếng vang trong cộng đồng, là kênh thông tin để các cơ quan quản lý Nhà nước tham khảo khi hoạch định chính sách.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước