Theo đó, Nhật Bản ủng hộ việc công nhận bản quyền cho một cá nhân, ngay cả với nội dung do AI tạo ra, nếu cá nhân đó chứng minh được trong tác phẩm có sự sáng tạo của con người. Tuy nhiên, sự ra đời của các dịch vụ AI tạo sinh như ChatGPT khiến vấn đề này trở nên phức tạp hơn nhiều và khó có thể phân định rạch ròi tỷ lệ sáng tạo do con người là bao nhiêu. Do đó, không chỉ về bản quyền, những vấn đề khác liên quan đến AI cũng đang thúc đẩy những lời kêu gọi các quốc gia cần bắt tay hợp tác để quản lý lĩnh vực còn rất mới mẻ này.
Trong vòng gần 1 tháng qua, Sam Altman, CEO hãng công nghệ OpenAI - đơn vị phát triển ứng dụng ChatGPT đã liên tục có các chuyến đi tới nhiều quốc gia, như Hàn Quốc, Israel và các nước Trung Đông. Không chỉ nhằm thúc đẩy hợp tác kinh doanh trong lĩnh vực AI, mà những chuyến đi này cũng hướng tới vận động các chính phủ bắt tay trong một nỗ lực chung nhằm quản lý lĩnh vực này.
Ông Sam Altman - Giám đốc điều hành công ty OpenAI: "Mối nguy hiểm từ AI là một rủi ro mang tính sống còn với chúng ta. Thách thức lớn với cả thế giới hiện nay là việc quản lý được những rủi ro đó mà vẫn khai thác được tiềm năng khổng lồ mà AI mang lại. Không ai muốn hủy diệt thế giới".
Một trong những đề xuất của vị CEO này là việc thành lập một cơ quan quốc tế giám sát lĩnh vực AI, tương tự như những cơ quan của Liên hợp quốc giám sát lĩnh vực hạt nhân hay ứng phó với các đại dịch.
Quan điểm thúc đẩy hợp tác quản lý AI cũng được chia sẻ bởi nhiều chuyên gia công nghệ hàng đầu khác. Trong chuyến thăm Trung Quốc gần đây, tỷ phú Elon Musk cũng đã trao đổi với giới chức nước này về vấn đề AI và theo CEO của Tesla, nền kinh tế số hai thế giới đang có kế hoạch đưa ra các quy định về AI trong tương lai gần.
Hồi tháng 5 trong khuôn khổ hội nghị G7 tại Nhật Bản, AI cũng là một chủ đề then chốt được lãnh đạo các nước tham gia hội nghị thảo luận. Đáng chú ý, các nguyên thủ G7 đã nhất trí về một sáng kiến nhằm xây dựng các quy tắc quốc tế đối với AI. Liên minh châu Âu (EU) còn đi xa hơn nữa khi đã đề xuất một dự thảo luật nhằm quản lý tất cả các sản phẩm và dịch vụ sử dụng công nghệ này, dự kiến sẽ đưa ra bỏ phiếu tại Nghị viện châu Âu vào giữa năm nay.
Dù có những thúc đẩy mạnh mẽ từ các quốc gia và doanh nghiệp, giới chuyên gia vẫn dự báo rằng, chặng đường đi đến những thỏa thuận chung sẽ là không hề dễ dàng và sẽ còn rất nhiều cuộc đàm phán trong tương lai về lĩnh vực giàu tiềm năng này.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!