"Chuyển đổi số là một hành trình"

P.V-Thứ hai, ngày 14/12/2020 17:24 GMT+7

2000 đại biểu trực tiếp và trên 10.000 khán giả theo dõi trực tuyến Diễn đàn Cấp cao CNTT 2020

VTV.vn - Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng cho rằng, mỗi cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp cần hoạch định một bản chiến lược và kế hoạch hành động thực hiện chuyển đổi số.

Hôm nay (14/12), Diễn đàn Cấp cao CNTT-TT 2020 đã chính thức diễn ra tại Hà Nội với chủ đề "Chuyển đổi số quốc gia: Chia sẻ và Kết nối". Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng nhấn mạnh chuyển đổi số là một hành trình: "Để đo mỗi cơ quan, tổ chức đã đi bao xa và có đi đúng hướng không trên hành trình đó, Bộ TT&TT đã ban hành bộ chỉ số đánh giá mức độ chuyển đổi số của cơ quan, tổ chức nhà nước, và sắp tới sẽ ban hành bộ chỉ số tương tự cho doanh nghiệp. Bộ TT&TT sẽ xác nhận, kiểm tra và công bố vào đầu năm 2021".

Theo nghiên cứu từ năm 2017 của Microsoft tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, tác động mà chuyển đổi số mang lại cho GDP năm 2017 là khoảng 6%, năm 2019 được dự đoán là 25% và tới năm 2021 là 60%. Chuyển đổi số cũng làm tăng năng suất lao động 15% trong năm 2017, dự kiến 2020 là 21%; 85% công việc trong khu vực sẽ bị biến đổi trong ba năm tiếp theo.

"Chuyển đổi số đang diễn ra rất nhanh, nó bắt đầu từ hơn một thập kỷ trước đây khi mà chúng ta còn dùng máy tính để bàn. Thời đó, Việt Nam bắt đầu tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu bằng việc sản xuất các linh kiện máy tính. Nhưng dần dần khi công nghệ phát triển, chúng ta có những định nghĩa hẹp hơn về kỹ thuật số như: dịch vụ số, nền kinh tế nền tảng. Quá trình hiện nay giống như quá trình điện khí hóa diễn ra từ những năm 1910. Nó tác động đến mọi ngành kinh tế, nó đang giúp ta tạo ra những định nghĩa mới như nền kinh tế chia sẻ, cách mạng công nghiệp 4.0, hoặc nông nghiệp chính xác. Mọi ngành đều bị ảnh hưởng bởi quá trình chuyển đổi số, và nếu chúng ta biết nắm bắt thì sẽ thu được nhiều lợi thế" - ông Andrew Edward Williamson, Phó Chủ tịch phụ trách Quan hệ Chính phủ toàn cầu, Cố vấn Kinh tế của Tập đoàn Công nghệ Huawei chia sẻ.

Còn theo ông Hoàng Việt Anh, Phó Tổng Giám đốc FPT phụ trách chuyển đổi số: "Chuyển đổi số sẽ tiếp tục là xu hướng quan trọng của thế giới, kể cả sau khi đại dịch qua đi. Trong chính giai đoạn khó khăn, thách thức nhất, công nghệ chính là chìa khoá để mở ra cơ hội phát triển, tối ưu vận hành, nâng cao trải nghiệm khách hàng và tạo ra những mô hình kinh doanh mới. Trong trạng thái bình thường tiếp theo, việc chuyển đổi này sẽ còn phát huy tác dụng mạnh mẽ, to lớn hơn, giúp doanh nghiệp nắm giữ vai trò kiến tạo, xây dựng và định hình nên những thực tại mới."

Cũng tại sự kiện, các chuyên gia công nghệ từ FPT đã chia sẻ xu hướng và những bài học kinh nghiệm, những câu chuyện thực tiễn và truyền cảm hứng về chuyển đổi số trong các lĩnh tài chính - ngân hàng, y tế, sản xuất và nông nghiệp.

Chuyển đổi số là một hành trình - Ảnh 1.

Ông Hoàng Việt Anh chia sẻ tại sự kiện

Công ty nghiên cứu McKensey chỉ ra rằng, vào năm 2025, mức độ tác động của chuyển đổi số tới GDP của nước Mỹ là khoảng 25%, còn ở các nước châu Âu là khoảng 36%. Còn theo một khảo sát từ Singapore, nếu các nước ASEAN chuyển đổi số mạnh mẽ, năm 2030 GDP ASEAN có thêm 1.000 tỷ USD. Đối với Việt Nam, GDP năm 2030 sẽ tăng 100 tỷ USD.

Những năm qua, ngành công nghệ thông tin (CNTT) Việt Nam đã có bước phát triển mạnh mẽ, trở thành ngành hạ tầng quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, là phương thức phát triển mới nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Theo số liệu từ Bộ Thông tin & Truyền thông, doanh thu ngành CNTT năm 2019 đạt khoảng 100 tỷ USD tương đương 1/3 GDP Việt Nam. Trong đó, ngành phần mềm và dịch vụ CNTT có khoảng 12.000 doanh nghiệp đạt doanh thu 11 tỷ USD. Nhân lực ngành CNTT khoảng 1 triệu lao động với khoảng 250.000 lập trình viên.

Theo Cisco (2019), mức độ sẵn sàng cho số hóa của Việt Nam đang ở mức trung bình ở vị trí 70/141 quốc gia, với điểm mức là 12,06/25 điểm. Theo Temasek, Bain&Company (2019), Kinh tế số của Việt Nam dự kiến vượt 43 tỷ USD vào năm 2025, tăng trưởng nóng nhất trong các lĩnh vực gồm TMĐT, du lịch trực tuyến, truyền thông trực tuyến, và gọi xe công nghệ.

Khảo sát của VINASA với trên 500 doanh nghiệp, tổ chức tham gia Diễn đàn Cấp cao CNTT-TT, 3 yếu tố thách thức nhất trong chuyển đổi số gồm: Quyết tâm của lãnh đạo tổ chức; Chi phí, thời gian, nguồn lực; và Cách thức chuyển đổi số như thế nào thì phù hợp với tổ chức. Ngoài ra, yếu tố bảo mật an toàn thông tin là yếu tố thách thức có lựa chọn cao thứ 4 trong khảo sát.

Theo ông Nguyễn Huy Dũng - Thứ trưởng Bộ TT&TT : "Chuyển đổi số chỉ thành công nếu toàn dân tham gia. Nghĩa là, công nghệ số, dịch vụ số phải được phổ cập, kèm theo đó là dịch vụ an toàn, an ninh mạng cũng phổ cập, nghĩa là giá thành rẻ, dễ sử dụng, tiện ích cho mọi người". Đồng thời Ông Dũng kêu gọi "Mỗi cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp hãy nhanh chóng hoạch định cho mình một bản chiến lược và kế hoạch hành động thực hiện chuyển đổi số". "Doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam là lực lượng chủ lực phát triển các hạ tầng, nền tảng, dịch vụ, tư vấn, cung cấp giải pháp chuyển đổi số; đi từ ứng dụng, đến sản phẩm, dịch vụ, đến làm chủ một số công nghệ lõi, từ đó, vươn ra thị trường toàn cầu".

"Mỗi bộ ngành, doanh nghiệp có sự quan tâm đầu tư và 'kịch bản' riêng cho lộ trình chuyển đổi số của mình. Yếu tố tiên quyết đem lại thành công trong chuyển đổi số chính là tầm nhìn và quyết tâm thực hiện của các tổ chức, doanh nghiệp", Chủ tịch Vinasa, ông Trương Gia Bình nhận định.

Ông Bình cũng cho rằng, tại Việt Nam, quá trình Chuyển đổi số đang mới ở những bước khởi đầu, rất nhiều những băn khoăn và câu hỏi được đặt ra như: Chuyển đổi số sẽ bắt đầu từ đâu, như thế nào, nguồn lực cần chuẩn bị và làm gì để đẩy nhanh tiến trình Chuyển đổi số?

Chuyển đổi số là một hành trình - Ảnh 2.

Nhiều giải pháp chuyển đổi số được giới thiệu tại Diễn đàn

Bày tỏ quan điểm về vấn đề này ông Nguyễn Hùng Sơn, Tổng Giám đốc FSI cho rằng: "Chuyển đổi số là việc sử dụng dữ liệu và công nghệ số để thay đổi một cách tổng thể và toàn diện tất cả khía cạnh đời sống. Từ đó các tổ chức sẽ nhận được lợi thế cạnh tranh lớn nếu biết tận dụng những thế mạnh của công nghệ trong kỷ nguyên số."

Theo ông Sơn để chuyển đổi số thành công các tổ chức, doanh nghiệp cần quan tâm đến 4 yếu tố chính bao gồm: Nhận thức, Nền tảng công nghệ, Hạ tầng số dữ liệu, Nhân lực. Tuy nhiên từ thực tế triển khai số hóa, chuyển đổi số cho nhiều khách hàng là các Bộ, ban ngành cũng như các tập đoàn lớn trong nước, FSI nhận thấy rằng dữ liệu trở - nguồn tài nguyên vô giá của mọi tổ chức, vẫn còn đang chưa được quản lý hiệu quả.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước