Anh Phạm Đặng Thắng, người dân quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) thường xuyên lui tới cửa hàng Cucre – 1 thương hiệu anh thường chỉ biết đến qua mạng Internet. Với anh Thắng, việc mua hàng qua mạng chưa đủ, được kiểm tra, tận mắt thấy sản phẩm giúp anh tăng niềm tin hơn khi quyết định mua hàng.
Anh Đặng Phạm Thắng cho biết: “Tôi hay mua hàng online nhưng cũng thỉnh thoảng ghé qua cửa hàng để tận mắt xem sản phẩm rồi mới mua. Cửa hàng như này giúp tôi tin tưởng hơn vào quyết định khi mua hàng online”.
Anh Thắng chỉ là một trong rất nhiều người tiêu dùng Việt Nam mặc dù đã có thói quen mua hàng trên mạng nhưng đi đến quyết định mua sản phẩm thì phải có kiểm chứng tận mắt.
Đây chính là yếu tố mà công ty kinh doanh trong lĩnh vực thương mại điện tử như Vật giá nắm bắt và đẩy mạnh bởi theo ông Nguyễn Ngọc Điệp, Tổng giám đốc công ty cổ phần Vật giá, những cửa hàng như vậy đã giúp tăng lòng tin rất nhiều cho thương hiệu gian hàng trực tuyến mà công ty đang gây dựng.
Ông Nguyễn Ngọc Điệp nói: “Việc mở các gian hàng thật giúp khách hàng có niềm tin nhiều hơn vào những sản phẩm chúng tôi bán online. Những gian hàng thật cũng chính là một dạng hiện thực hóa gian hàng online, vì vậy chúng tôi không phải bỏ ra chi phí gì cả. Các chủ gian hàng online sẽ đưa hàng của họ tới đây để trưng bày. Hình thức này vừa ít tốn kém lại mang lại hiệu quả cao cho bán hàng trực tuyến”.
Những nỗ lực của một thương hiệu nội đã có tác dụng. Theo báo cáo mới được đưa ra bởi công ty nghiên cứu thị trường Comscore của Mỹ, hiện lượng người dùng Internet của Việt Nam đã lên con số hơn 30 triệu, trung bình mỗi tháng, mỗi người bỏ ra hơn 26 giờ đồng hồ để truy cập Internet, vượt trội trong khu vực.
Ông Nguyễn Kỳ Minh, Trung tâm Phát triển TMĐT, Bộ Công Thương cho biết: “Có nhiều yếu tố khiến các thương hiệu nội vẫn chiếm được ưu thế. Thứ nhất, họ nhanh nhạy hiểu được tâm lý người tiêu dùng, hiểu được văn hóa của người Việt Nam. Thứ 2, những người sáng lập đều là người trẻ, nắm bắt tốt thời cơ và thay đổi kịp thời về công nghệ”.
Thương mại điện tử đã có mặt tại Việt Nam được khoảng 10 năm nay. Trên thế giới có nhiều mô hình thương mại điện tử nhưng ở Việt Nam phổ biến nhất hiện nay là 3 dạng: B2C (nhà cung cấp tới khách hàng), C2C (Khách hàng tới khách hàng) và B2B (nhà cung cấp tới nhà cung cấp).
Thị trường này càng trở nên sôi động hơn khi có sự hiện diện của các ông lớn nước ngoài như Ebay, Alibaba… Tuy nhiên, kết quả đạt được vẫn chưa như kỳ vọng.
Ông Nguyễn Kỳ Minh cho biết thêm: “Yếu tố văn hóa, thói quen tiêu dùng của người dân chính là những trở ngại với các doanh nghiệp ngoại khi muốn thâm nhập vào thị trường này”.
Song, ông Minh cũng nhấn mạnh, vấn đề chỉ là thời gian bởi các hãng này đã thâm nhập được vào những thị trường lớn khác trong khu vực thì không có lý gì không thể chiếm lĩnh được thị trường Việt Nam. Điều này có nghĩa, các doanh nghiệp nội phải nhanh chóng bước qua được cái bóng của chính mình trong những thành công bước đầu, để cải tiến, thay đổi công nghệ và chiến lược mới có thể trụ vững trước làn sóng ngoại sắp tới.