Rác vũ trụ đang trở thành một vấn đề ngày càng nghiêm trọng khi ngày càng có nhiều vệ tinh được đưa vào quỹ đạo của Trái đất. Rác vũ trụ chủ yếu bao gồm các vệ tinh không còn được sử dụng, các tầng tên lửa cũ, đã bị thải đi và các mảnh vỡ từ các vụ va chạm và tan vỡ của các thiết bị được phóng vào vũ trụ.
Các mảnh vụn này có thể quay quanh Trái đất với tốc độ hơn 27.000 km/giờ, có thể gây ra mối đe dọa đáng kể cho Trạm vũ trụ quốc tế (ISS) và các vệ tinh đang hoạt động - phần nhiều trong số này đóng vai trò rất quan trọng đối với các hệ thống trên Trái đất, ví dụ như hệ thống thông tin liên lạc.
Ông Declan Lynch - Giám đốc phụ trách doanh thu của Công ty Privateer Space (Mỹ) - cho biết: "Khi chúng ta đưa nhiều vật thể hơn vào không gian, các quỹ đạo sẽ trở nên đông đúc hơn và chúng tôi tin rằng, trách nhiệm quản lý Trái đất của chúng ta không chỉ dừng lại ở bầu khí quyển mà còn mở rộng sang tất cả những thứ chúng ta đưa vào không gian".
Công ty khởi nghiệp Privateer Space đang hy vọng có thể giúp giải quyết vấn đề thông qua hệ thống điều khiển bằng trí tuệ nhân tạo (AI), cho phép theo dõi, ghi lại và giám sát lượng rác khổng lồ.
Công ty khởi nghiệp này cho biết, họ có thể cảnh báo những người vận hành vệ tinh trước khi một vụ va chạm xảy ra, để tránh tạo ra nhiều mảnh vỡ hơn nữa.
Nền tảng của Privateer, được gọi là Wayfinder, sử dụng dữ liệu từ nhiều nguồn và các nhà khai thác vệ tinh khác nhau, bao gồm cả Bộ Chỉ huy Không gian Mỹ. Nền tảng này theo dõi hơn 35.000 vật thể trên quỹ đạo.
"Để có thể theo dõi các vật thể đó và có thể lập kế hoạch dự đoán quỹ đạo của chúng trong 24, 48 và 72 giờ sau đó, cần rất nhiều dữ liệu và nhiều khả năng tính toán. Chúng tôi có thể tận dụng sức mạnh của AI để làm điều đó trong khoảng thời gian ngắn hơn so với thời gian mà con người phải làm trước đây" - ông Declan Lynch chia sẻ.
Số lượng rác vũ trụ mà công ty Privateer giám sát bao gồm các vật thể lớn hơn 10 cm. Privateer ước tính, các mảnh vụn không gian lớn hơn 1 mm có thể lên tới gần 100 triệu.
Privateer đặt mục tiêu cung cấp dữ liệu theo dõi rác vũ trụ cho các nhà khai thác vệ tinh, cơ quan vũ trụ quốc tế và cộng đồng khoa học trên toàn thế giới.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!