Một doanh nghiệp cung cấp dịch vụ dùng trí tuệ nhân tạo đánh giá rủi ro tín dụng cho khách hàng là ngân hàng, công ty tài chính... cho biết hiện đã chấm điểm tín dụng cho 55 triệu người Việt Nam, chiếm 80% tổng giao dịch vay tiêu dùng.
Muốn có sản phẩm trí tuệ nhân tạo, phải có dữ liệu lớn, do vậy, doanh nghiệp đã phải mất nhiều năm để giải quyết bài toán về thu thập dữ liệu tổng hợp từ nhiều nguồn như hành vi mạng xã hội, hành vi tiêu dùng, lịch sử trả nợ...
Gọi là "bài toán" vì nếu làm theo cách thông thường là đi vay dữ liệu, doanh nghiệp cho biết phải bỏ ra đến hàng tỷ USD mới có được lượng dữ liệu đủ lớn để cho máy học. Tuy nhiên, số lượng các công ty tại Việt Nam có sản phẩm thương mại ứng dụng trí tuệ nhân tạo hiện còn rất khiêm tốn. Mức độ phát triển của lĩnh vực này nhìn chung mới ở mức sơ khai.
Giới chuyên gia cho rằng, một phần vì sự hạn chế trong độ mở chia sẻ dữ liệu tại Việt Nam. Ví dụ đơn giản là ứng dụng Google Dịch, dịch tiếng nước ngoài thì giỏi nhưng dịch tiếng Việt lại dở.
Ngoài ra, mô hình kết hợp giữa doanh nghiệp và trường đại học nên được tập trung đẩy mạnh hơn nữa để phát triển các sản phẩm trí tuệ nhân tạo cho Việt Nam. Doanh nghiệp có dữ liệu và khả năng thương mại, còn trường đại học có nhân tài và khả năng nghiên cứu.
Tuy nhiên, những sự vụ như Facebook mới đây bị phát hiện chia sẻ dữ liệu người dùng cho các công ty công nghệ lớn khác như Amazon, Netflix, Spotify... cũng gây ra tranh cãi về mặt trái về việc chia sẻ dữ liệu. Do đó, làm thế nào để cân bằng giữa sự phát triển của những công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo và quyền riêng tư của người dùng cũng đặt ra bài toán lớn cho nhà quản lý.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!