Việt Nam đang ở trong giai đoạn cơ cấu "dân số vàng", khi có 69% dân số trong tuổi lao động và 1,5 triệu người bước vào độ tuổi lao động mỗi năm. Số lượng người sử dụng điện thoại thông minh và Internet chiếm tới 50% dân số, trong đó đa phần là các bạn trẻ. Đặc biệt, các bạn trẻ rất yêu thích công nghệ thông tin.
Đó là lợi thế của nguồn nhân lực khi bước vào kỷ nguyên số 4.0. Câu hỏi đặt ra là đâu là giải pháp để phát triển hiệu quả nguồn nhân lực này?
Phòng thí nghiệm nghiên cứu xe tự lái của sinh viên Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội là một trong những ngành đào tạo đón đầu cách mạng công nghiệp 4.0 mà trường đang triển khai. Thiết kế lại chương trình đào tạo, đổi mới phương pháp dạy và học cho sinh viên là yêu cầu đặt ra cấp thiết.
Những lĩnh vực như nghiên cứu robot trong công nghiệp, in 3D, dữ liệu lớn (big data)… cũng sẽ được trường chú trọng đầu tư giảng dạy thời gian tới.
Theo các chuyên gia, trong kỷ nguyên số 4.0, công nghệ thay đổi rất nhanh, trường học khó có thể cập nhật kiến thức mới cho sinh viên. Vì vậy, sinh viên phải tự học để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Internet sẽ giúp sinh viên nắm được kiến thức nhanh trong khoảng thời gian ngắn.
Hiện tại, mô hình giáo dục Stem được đánh giá cao trên thế giới và được coi là xu hướng giáo dục của Việt Nam trong tương lai để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thời 4.0.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!