Chủ đề này nhận được sự quan tâm lớn bởi việc phát triển nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số là một ưu tiên hiện nay của các nền kinh tế thành viên APEC, hướng tới mục tiêu tăng trưởng bền vững, sáng tạo và bao trùm.
Việc bảo đảm các tầng lớp xã hội có thể tham gia tích cực vào lực lượng lao động và hưởng lợi từ cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật là ưu tiên hiện nay của các nền kinh tế APEC. Và để thực hiện mục tiêu này, một yếu tố rất quan trọng đó là việc phải thông tin cho người lao động biết được tương lai việc làm và thị trường lao động trong kỷ nguyên số sẽ thay đổi như thế nào.
Tại hội thảo, các đại biểu đều nhấn mạnh tiến bộ công nghệ đang gây ra những biến đổi về cơ cấu đối với thị trường việc làm. Nghiên cứu của Tổ chức Lao động Quốc tế tại một số nền kinh tế trong khu vực đã cho thấy rằng công nghệ mới sẽ được áp dụng triệt để trong những ngành công nghiệp sử dụng nhiều lao động.
Điều này có thể sẽ dẫn tới sự cắt giảm số lượng lớn những lao động trình độ thấp. Ở Thái Lan, riêng trong ngành sản xuất ô tô, 73% lao động đang đối mặt với nguy cơ bị thay thế bởi tự động hóa. Còn tại Việt Nam, 75% lao động trong ngành điện tử và 86% trong ngành dệt may và da giày cũng trong tình trạng tương tự như vậy.
Vấn đề thiếu lao động có kỹ năng càng trở nên trầm trọng do những bất cập trong kết nối cung cầu lao động, do sự chia cắt và phân mảng của thị trường lao động. Đây cũng là những thách thức đối với APEC trong việc thực hiện cải cách cơ cấu, nhằm hỗ trợ đầu tư phát triển nguồn nhân lực và phục hồi thị trường. Hoàn thiện hệ thống thông tin thị trường lao động, giảm thời gian kết nối cung cầu lao động là yêu cầu cấp bách trong thời đại bùng nổ công nghệ thông tin hiện nay.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!