Các nhà khoa học Hà Lan vừa ra mắt phòng thí nghiệm Swarming - phòng thí nghiệm đầu tiên của nước này có nhiệm vụ nghiên cứu các thiết bị bay không người lái tự động, với kích thước thu nhỏ bằng các loài côn trùng. Những thiết bị này sẽ được sử dụng trong các nhiệm vụ như tìm kiếm vết rò rỉ khí gas trong các nhà máy hay tham gia tìm kiếm và cứu hộ.
Với việc đưa vào vận hành Phòng thí nghiệm Swarming, các nhà nghiên cứu đặt mục tiêu tạo ra khoảng 100 thiết bị bay không người lái nhỏ bé để đưa lên không trung thực hiện các nhiệm vụ 24/24h.
Các thiết bị bay không người lái cũng có thể tự hạ cánh trên các bộ sạc điện và cất cánh trở lại để tiếp tục bay mà không cần có sự tham gia của con người.
Các nhà khoa học sử dụng các nghiên cứu về các bầy ong, đàn kiến hoặc chim để phát triển một "đàn" thiết bị bay không người lái, không chỉ nhận thức được sự tồn tại của nhau mà còn có khả năng phối hợp với nhau để hoàn thành các nhiệm vụ phức tạp.
Tuy nhiên, các nhà khoa học cũng thừa nhận có một số thách thức. Đầu tiên đó là việc nghiên cứu và hình thành những hành vi bầy đàn vốn là những hệ thống phức tạp.
Hiện tại, các nhà nghiên cứu đã phát triển công nghệ giúp robot có thể cảm nhận được sự hiện diện của nhau mà không cần sự trợ giúp từ bên ngoài. Phòng thí nghiệm Swarming đã hợp tác với một công ty khởi nghiệp của các cựu sinh viên TU Delft, có tên là Emergent, để đưa khoảng 40 thiết bị bay không người lái nhỏ tham gia vào nghiên cứu. Mục tiêu cuối cùng là đưa khoảng 100 thiết bị bay không người lái lên không trung trong 5 năm tới.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!