Để giải bài toán ách tắc giao thông, đem lại lợi ích cho cộng đồng, một nhóm các sinh viên tại Campuchia đã thiết kế ra sản phẩm đặc biệt, đó là chiếc taxi bay không người lái. Đây là một thiết bị không chỉ giúp người dân di chuyển dễ dàng hơn tại các đô thị đông đúc mà còn có thể chữa cháy trong trường hợp khẩn cấp.
Chiếc taxi bay không người lái là sản phẩm của các sinh viên tại Học viện Bách khoa quốc gia Campuchia. Thiết bị có 8 cánh quạt, chạy bằng pin. Trong lần thử nghiệm đầu tiên, chiếc taxi bay này có khả năng chở 1 người nặng khoảng 60 kg, bay cao 4 m trong khoảng 10 phút.
Nhóm sinh viên tại Học viện Bách khoa Quốc gia Campuchia với thiết kế taxi bay không người lái (Ảnh: Reuters)
Nhóm nghiên cứu cho biết, mục tiêu của họ đơn giản là tìm ra những cách làm sáng tạo và đổi mới nhằm giải quyết một số vấn đề mà người dân gặp phải hàng ngày. Một trong số đó là làm sao vượt qua những tuyến đường giao thông thường xuyên tắc nghẽn ở thủ đô Phnom Penh.
Lonh Vannsith, thành viên của nhóm nghiên cứu taxi bay không người lái, cho biết: "Ở thủ đô Phnom Penh, chúng tôi gặp vấn đề lớn liên quan đến tắc đường. Vì vậy, chúng tôi đã thực hiện một số nghiên cứu về vấn đề này trước khi chế tạo máy bay không người lái".
Ngoài mục đích chở người, chiếc taxi bay không người lái cỡ lớn này còn có thể phục vụ cho mục đích cứu hỏa, nhất là tại những khu vực mà lính cứu hỏa khó có thể tiếp cận.
"Hy vọng máy bay không người lái của chúng tôi sẽ giúp lính cứu hỏa dập lửa trong trường hợp xảy ra hỏa hoạn. Ví dụ đối với những tòa nhà cao tầng mà xe cứu hỏa không thể tiếp cận, chiếc máy bay không người lái này có thể vận chuyển nước hoặc chở được vòi nước lên các tầng rất cao của tòa nhà" - Lonh Vannsith chia sẻ.
Nhóm nghiên cứu đã phải đối mặt với không ít khó khăn và mất tới 3 năm để chế tạo ra thiết bị này. Một trong những khó khăn gặp phải là sự chậm trễ trong quá trình thử nghiệm, nhập các bộ phận như cánh quạt và khung từ nước ngoài do ảnh hưởng bởi lệnh phong tỏa ngăn dịch COVID-19 tại Campuchia. Dù vậy, nhóm đã không bỏ cuộc.
Thậm chí, Học viện Bách khoa Quốc gia Campuchia còn cho biết đang đầu tư nhiều hơn vào dự án và hy vọng những chiếc máy bay này sẽ sớm được đưa vào ứng dụng thực tế. Hiện tại, chi phí để làm ra một chiếc taxi bay này rơi vào khoảng 20.000 USD.
Nhóm nghiên cứu đang có kế hoạch cải tiến thiết kế để cho phép thiết bị bay này có tải trọng lớn hơn cũng như bay xa hơn và ổn định hơn ở tầm cao hơn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!