Hợp tác công nghệ thông tin và truyền thông giữa Việt Nam và Ấn Độ trong bối cảnh COVID-19

Khánh Nguyễn-Thứ tư, ngày 30/06/2021 17:45 GMT+7

Ảnh minh hoạ.

VTV.vn - Các chuyên gia Ấn Độ và Việt Nam trong lĩnh vực công nghệ thông tin - truyền thông đã chia sẻ quan điểm, thế mạnh và cơ hội của cả hai quốc gia trong lĩnh vực này.

Ngày 29/6, Đại sứ quán Ấn Độ tại Hà Nội phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Hội thảo trực tuyến về Hợp tác Công nghệ Thông tin - Truyền thông (CNTT-TT) giữa Ấn Độ và Việt Nam trong bối cảnh đại dịch COVID-19. Hội thảo do Ngài Pranay Verma, Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam và ông Nguyễn Huy Dũng, Thứ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông chủ trì.

Trong bài phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông Nguyễn Huy Dũng nhấn mạnh tầm quan trọng của Hội nghị trực tuyến bởi cả Việt Nam và Ấn Độ đều đang đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong nhiều lĩnh vực nói chung và trong cuộc chiến chống lại Đại dịch COVID-19 nói riêng. Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng nêu bật những tiến bộ mà Việt Nam đã đạt được trong việc ứng dụng CNTT và trong phát triển công nghệ số phục vụ phát triển kinh tế xã hội để vượt qua những thách thức của Đại dịch COVID-19.

Hợp tác công nghệ thông tin và truyền thông giữa Việt Nam và Ấn Độ trong bối cảnh COVID-19 - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông Nguyễn Huy Dũng phát biểu tại hội thảo.

Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng cũng giới thiệu về Chiến lược Chuyển đổi số Quốc gia của Việt Nam trong đó ưu tiên chú trọng tới sản xuất thông minh, Internet vạn vật (IoT), Trí tuệ nhân tạo, Dữ liệu lớn, Công nghệ Blockchain, Dữ liệu trực tuyến, An ninh mạng, Công nghệ Tài chính, Công nghệ in 3D, Hệ sinh thái 5G, Thành phố Thông minh. Thứ trưởng cũng khuyến khích doanh nghiệp hai nước cần phải trao đổi để thúc đẩy hợp tác về CNTT và nhấn mạnh về mong muốn tìm hiểu về các sáng kiến số hóa của Ấn Độ như chương trình “Số hóa Ấn Độ” và “Sản xuất tại Ấn Độ”.

Trong bài phát biểu, Đại sứ Pranay Verma khẳng định hợp tác về CNTT là lĩnh vực hợp tác quan trọng trong Quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện Ấn Độ Việt Nam. Đại sứ Ấn Độ nhấn mạnh về tầm quan trọng ngày càng tăng của hệ sinh thái kỹ thuật số trong giai đoạn phục hồi sau đại dịch, và hy vọng rằng Hội thảo sẽ tạo ra một diễn đàn để các nhà hoạch định chính sách và doanh nghiệp của hai bên có thể trao đổi và tìm hiểu cơ hội hợp tác trong lĩnh vực CNTT. Đại sứ nhấn mạnh về tầm nhìn của cả Ấn Độ và Việt Nam trong việc phát triển ngành CNTT và cuộc cách mạng 4.0, tạo cơ hội hợp tác mới giữa hai nước.

Hợp tác công nghệ thông tin và truyền thông giữa Việt Nam và Ấn Độ trong bối cảnh COVID-19 - Ảnh 2.

Ngài Pranay Verma, Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam phát biểu.

Đại sứ Ấn Độ cũng đề nghị các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong lĩnh vực CNTT và các doanh nghiệp khởi nghiệp của hai nước cần trao đổi và hợp tác trong các lĩnh vực mới như Thương mại Điện tử, Công nghệ Tài chính (FINTECH), Thành phố Thông minh v.v… Đại sứ Ấn Độ cũng nhấn mạnh về tính hiệu quả của việc sử dụng CNTT trong lĩnh vực y tế đặc biệt trong bối cảnh Đại dịch COVID-19, và giới thiệu về Hội nghị Toàn cầu Co-Win dự kiến được tổ chức tại Ấn Độ vào ngày 05.07.2021 - một sự kiện minh chứng cho cam kết của Ấn Độ trong việc chia sẻ kinh nhiệm sử dụng công nghệ trong chương trình tiêm chủng vaccine quốc gia. Đại sứ cũng mời quan chức chính phủ và các doanh nghiệp tham gia vào Hội nghị Toàn cầu này.

Trong bài phát biểu của mình, Bà Nguyễn Phương Nga, Chủ tịch Liên hiệp các Tổ chức Hữu nghị Việt Nam nhấn mạnh về tác động của Đại dịch COVID-19 tới tất cả các quốc gia trong đó có Việt Nam và Ấn Độ. Bà Nguyễn Phương Nga đánh giá cao thành công của Ấn Độ trong việc sản xuất vaccine ngừa COVID-19 và đã chia sẻ vaccine cũng vật tư y tế cho các nước khác.

Hợp tác công nghệ thông tin và truyền thông giữa Việt Nam và Ấn Độ trong bối cảnh COVID-19 - Ảnh 3.

Bà Nguyễn Phương Nga, Chủ tịch Liên hiệp các Tổ chức Hữu nghị Việt Nam tham dự và phát biểu tại hội thảo.

Tổng vụ trưởng (HTQT), Bộ Điện tử và CNTT Ấn Độ ông Bhuvnesh Kumar, trong bài phát biểu của mình đã nhấn mạnh Ấn Độ là một trong những quốc gia hàng đầu trong việc phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, trong đó việc đổi mới các công nghệ mới nổi như Trí tuệ nhân tạo, Internet vạn vật, Robotic, Học bằng máy, Công nghệ Blockchain đang tạo ra những tiềm năng lớn cho phát triển bền vững. Tổng vụ trưởng Kumar cũng chia sẻ kinh nghiệm của Ấn Độ trong phát triển nền tảng kỹ thuật số phục vụ các dịch vụ công cho công dân và doanh nghiệp.

Hợp tác công nghệ thông tin và truyền thông giữa Việt Nam và Ấn Độ trong bối cảnh COVID-19 - Ảnh 4.

Tổng vụ trưởng, Bộ Điện tử và CNTT Ấn Độ ông Bhuvnesh Kumar phát biểu.

Tại Hội thảo, các chuyên gia Ấn Độ và Việt Nam trong lĩnh vực CNTT-TT đã chia sẻ quan điểm, thế mạnh và cơ hội của cả hai quốc gia trong lĩnh vực CNTT-TT, một lĩnh vực đã trở nên quan trọng hơn trong bối cảnh đại dịch COVID-19.

Việt Nam đang nổi lên là một trong những trung tâm Công nghệ số và CNTT-TT trong khu vực ASEAN với việc các công ty Công nghệ Đa quốc gia danh tiếng như Samsung, LG, IBM, Intel, Oracle, Canon, Fujitsu, Foxxcon đặt cơ sở sản xuất tại Việt Nam. Lĩnh vực CNTT-TT đã đóng góp to lớn trong việc thúc đẩy xuất khẩu cho Việt Nam, đồng thời khiến Việt Nam trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn cho các công ty CNTT-TT lớn trên thế giới.

Theo Chiến lược chuyển đổi số quốc gia, Việt Nam đang hướng tới mục tiêu đến năm 2025, kinh tế số chiếm tỷ lệ 20% GDP và khoảng 30% GDP vào năm 2030. Cũng theo Chiến lược đề ra, Việt Nam đang tập trung phát triển Chính phủ số, Kinh tế số, Xã hội số và thành lập các Doanh nghiệp số Việt Nam. Hướng tới mục tiêu này, Việt Nam đã thực hiện các biện pháp phát triển khu công nghệ cao, khu công nghệ thông tin tập trung, phát triển hạ tầng mạng di động 5G, thúc đẩy dịch vụ công trực tuyến và thương mại điện tử thông qua các nền tảng nội địa, phát triển công nghệ điện toán đám mây, đảm bảo an toàn và an ninh mạng, nâng cao năng lực về trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT), khoa học dữ liệu, dữ liệu lớn (Big Data), điện toán đám mây, Blockchain…

Tương tự, theo Sứ mệnh Ấn Độ số, Chính phủ Ấn Độ đặt mục tiêu biến Ấn Độ thành một nền kinh tế và xã hội được thúc đẩy bởi kỹ thuật số thông qua việc cung cấp cơ sở hạ tầng kỹ thuật số như một tiện ích cốt lõi cho mọi công dân, thực hiện công tác quản trị và dịch vụ theo yêu cầu, và nâng cao quyền công dân thông qua kĩ thuật số. Sứ mệnh Ấn Độ số được dựa trên sự phát triển của chín trụ cột: Phủ sóng băng thông rộng toàn quốc, Truy cập toàn cầu với kết nối di động, Chương trình truy cập Internet công cộng, Quản trị điện tử, e-Kranti - Cung cấp dịch vụ điện tử, Thông tin cho tất cả mọi người, Sản xuất điện tử, Việc làm trong lĩnh vực CNTT và Các chương trình thu hoạch sớm.

Ấn Độ đã nổi lên là một trung tâm năng lực kỹ thuật số với khả năng cạnh tranh cao được công nhận trên toàn thế giới trong việc cung cấp các dịch vụ CNTT. Doanh thu của ngành CNTT Ấn Độ đạt khoảng 175 tỷ USD trong giai đoạn 2019-2020 với xuất khẩu chiếm khoảng 147 tỷ USD. Về dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI), lĩnh vực phần cứng và phần mềm máy tính của Ấn Độ thu hút dòng vốn FDI cao thứ hai vào Ấn Độ với 71 tỷ USD trong giai đoạn 2020-2021. Ấn Độ cũng là một trong những điểm đến được ưa thích cho việc thiết lập Trung tâm Năng lực Toàn cầu (GCC) với 50% tổng số GCC được đặt tại Ấn Độ.

Các ngành công nghệ thông tin của Ấn Độ đã và đang phát triển chuyên môn về công nghệ 5G, điện toán đám mây, công nghệ hỗ trợ Quản trị điện tử, các loại hình công nghệ bền vững như pin thân thiện với môi trường, nguồn năng lượng tái tạo & quản lý hệ thống điện; cũng như trong các loại hình công nghệ mới nổi như ứng dụng Trí thông minh nhân tạo, Blockchain, Internet Vạn vật (IoT), Ngành robot, In ấn 3D và Truyền thông công nghệ…

Trong những năm qua, lĩnh vực ICT nổi lên là một lĩnh vực hợp tác đầy tiềm năng giữa Việt Nam và Ấn Độ. Nhiều công ty CNTT Ấn Độ đã có sự hiện diện tại Việt Nam. Các công ty này góp phần nâng cao năng lực CNTT-TT của Việt Nam thông qua đào tạo CNTT và cung cấp các giải pháp và dịch vụ CNTT trong các lĩnh vực tài chính ngân hàng, viễn thông, công nghệ du lịch và an ninh mạng… Chính phủ Ấn Độ và Việt Nam đã thiết lập các cơ chế thể chế nhằm tạo điều kiện hợp tác trong lĩnh vực CNTT-TT. Điều này cũng đã được nhấn mạnh một lần nữa trong bản Tầm nhìn chung Ấn Độ - Việt Nam vì Hòa bình, Thịnh vượng và Con người được Thủ tướng hai nước thông qua vào tháng 12/2020.

Hội thảo có sự tham dự của quan chức Bộ Điện tử và CNTT của Ấn Độ, Bộ Thông tin Truyền thông Việt Nam, Sở Thông tin Truyền thông Hà Nội. Hội thảo được hỗ trợ bởi Phòng Thương mại Ấn Độ tại Việt Nam (INCHAM), Hiệp hội Phần Mềm Việt Nam (VINASA), Liên hiệp các Tổ chức Hữu Nghị Việt Nam (VUFO) và Hội đồng Xúc tiến Xuất khẩu Điện tử và Phần mềm Ấn Độ (ESC). Hơn 100 đại diện từ Ấn Độ và Việt Nam bao gồm các chuyên gia về CNTT và doanh nghiệp đã tham dự Hội thảo này.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước