Người đồng sáng lập và cũng là CEO của Huawei Nhậm Chính Phi dường như đang tỏ ra rất tự tin về việc công ty của ông có thể sống khỏe bất chấp lệnh cấm từ Chính phủ Mỹ.
Mới đây, Tổng thống Trump ký sắc lệnh cấm các công ty Mỹ sử dụng thiết bị viễn thông mà Bộ Thương mại coi là rủi ro với an ninh quốc gia. Cùng ngày 15/5, Bộ thương mại Mỹ đưa Huawei và khoảng 68 chi nhánh vào danh sách những bên bị cấm mua các bộ phận và linh kiện từ công ty Mỹ, nếu không có sự chấp thuận của Chính phủ Mỹ.
Huawei có thể tự lực cánh sinh bất chấp lệnh cấm từ Chính phủ Mỹ?
Với lệnh cấm này, Huawei sẽ không thể mua linh kiện đến từ các công ty. HiSilico là được xem là cơ sở cho sự tự tin của ông Nhậm Chính Phi. Đây là công ty sản xuất chất bán dẫn của Huawei, đơn vị thiết kế các chipset Kirin SoCs và chip modem Balong.
"Chúng tôi đã lường trước được ngày này từ nhiều năm trước. Chúng tôi đã có một kế hoạch dự phòng", Chủ tịch của HiSilico Teresa He Tingbo cho biết trong một bức thư gửi nhân viên của mình.
Tuy nhiên sự tự tin của nữ lãnh đạo này đang bị đặt một dấu hỏi lớn. Theo thống kê, năm 2018, Huawei đã chi đến 11 tỷ USD để mua linh phụ kiện của các nhà cung cấp có trụ sở tại Mỹ như Qualcomm, Intel và Micron.
Một nguồn tin của Reuters khẳng định rằng Huawei sẽ không thể tìm được các nhà cung cấp nào tại Trung Quốc có đủ năng lực thay thế Qualcomm, Intel hay Micron… ít nhất là trong vài năm tới đây.
"Tôi sẽ rất ngạc nhiên nếu HiSilicon có thể làm được điều đó mà không cần đến các nhà cung cấp nào ở Mỹ", nhà phân tích Linda Sui tại Strategy Analytics có cùng quan điểm.
Không chỉ phần cứng, Huawei có thể tự lực trong mảng phần mềm cũng sẽ là một dấu hỏi. Trong một diễn biến mới nhất, Google đã "nghỉ chơi" với Huawei sau lệnh cấm của Chính phủ Mỹ.
Theo đó, quyết định đình chỉ giấy phép và thỏa thuận chia sẻ của Google với Huawei bao gồm: Việc chuyển giao các sản phẩm phần cứng và phần mềm. Theo đó, Huawe ngay lập tức mất quyền truy cập vào các bản cập nhật hệ điều hành Android của Google.
Ngoài ra, các mẫu smartphone của Huawei cũng sẽ không được truy cập vào các ứng dụng và dịch vụ phổ biến, trong đó có kho phần mềm Google Play Store, ứng dụng Gmail và YouTube.
Khó khăn đang bủa vây Huawei
Đã có những đồn đoán cho việc Huawei đang tự phát triển một hệ điều hành mới các thiết bị di động từ tháng 8 năm ngoái.
Giám đốc điều hành mảng di động của Huawei, Richard Yu cho biết trong một cuộc phỏng vấn gần đây rằng công ty của ông đã có hệ điều hành riêng sẵn sàng thay thế Android và Windows. Thậm chí, South China Morning Post báo cáo Huawei bắt đầu làm việc trên hệ sinh thái độc quyền của mình từ 7 năm trước.
Trong trường hợp xấu nhất, mọi việc có thể sẽ không quá tệ tại Trung Quốc khi mà các ứng dụng của Google hầu như bị cấm tại nước này. Song sẽ có một chặng đường vô cùng gian nan để Huawei thuyết phục người dùng tại các thị trường khác trên thế giới sử dụng hệ điều hành của mình.
Mọi con mắt đang hướng vào sự ra mắt của dòng Huawei Mate 30 vào cuối năm nay. Giới phân tích đang chờ đợi Huawei sẽ làm gì với phần cứng cũng như phần mềm trên chiếc smartphone này thế nào?
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!