Đi cùng với sự phát triển của công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) là nhu cầu của các doanh nghiệp muốn xây dựng cơ sở dữ liệu mẫu đã được xử lý, gắn nhãn để huấn luyện các hệ thống AI của họ. Do vậy, nhu cầu nhân lực cho công việc dán nhãn dữ liệu sẽ tăng lên trong tương lai gần.
Nhận thấy tiềm năng của cộng đồng những người khiếm thị trong công việc dán nhãn dữ liệu âm thanh, Viện Công nghiệp phần mềm và Nội dung số Việt Nam đã lập dự án có tên InLab nhằm hỗ trợ người khiếm thị trong công việc này, hướng tới sử dụng họ làm nguồn nhân lực chính, tự mình cung cấp được dịch vụ dán nhãn dữ liệu trong tương lai.
Sự bùng nổ về nhu cầu dữ liệu để đào tạo các thuật toán AI đã cho ra đời một ngành nghề mới để có thể tập hợp những loại thông tin như hình ảnh, âm thanh, văn bản và gắn nhãn những thông tin này để dạy cho máy móc phân biệt những thứ chúng đang tiếp nhận. Bản thân công việc này không phức tạp, đối với những người khiếm thị biết sử dụng các thiết bị công nghệ, họ hoàn toàn có khả năng tham gia. Tuy nhiên, do đặc thù về khuyết tật mắt, họ cần hỗ trợ thêm trong khâu tiếp nhận thông tin dữ liệu, đó là lúc dự án InLab vào cuộc bằng cách chuyển đổi tất cả các dạng dữ liệu sang dạng âm thanh và chuyển tải thông tin đến với người khiếm thị thông qua một ứng dụng có hỗ trợ điều hướng âm thanh cho người khiếm thị.
Theo số liệu từ Hội người mù Việt Nam, tính tới thời điểm hiện tại, Việt Nam có khoảng 9.000 người khiếm thị biết sử dụng máy vi tính và điện thoại thông minh, trong đó có 7.000 người biết sử dụng thành thạo. Nếu thành công, dự án InLab được kỳ vọng sẽ tạo ra thêm một cơ hội mới cho người khiếm thị khẳng định bản thân, ổn định sinh kế, cũng như đem đến sự thay đổi nhất định trong cái nhìn của xã hội về năng lực của người khiếm thị trong ngành công nghệ thông tin.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!