Nghiên cứu này của David Grinspoon thuộc Viện nghiên cứu Tây Nam, Texas, Mỹ. David đưa ra một giả thiết khác hoàn toàn với những phỏng đoán trước đây của giới khoa học về sao Kim. Sao Kim vốn là láng giềng của Trái Đất, có kích thước y chang và David cho rằng hành tinh này từng có khí hậu giống như Trái Đất với các đại dương chứa đầy nước và có sự sống.
Sau đó, dưới ảnh hưởng của hiệu ứng nhà kính, sao Kim bị mất nước dần và nhiệt độ khí quyển của hành tinh này trở nên cao đến nỗi chì cũng tan chảy. Tuy nhiên, giới khoa học Trái Đất vẫn chưa xác định được thời điểm nào sao Kim chuyển từ một hành tinh tươi xanh thành một ngôi sao đậm đặc mưa axit sunfuric như bây giờ.
Giả thiết được chấp nhận rộng rãi trước đây là của Jeffrey Kargel, thuộc Cơ quan nghiên cứu khảo sát địa chất Mỹ. Jeffrey cho rằng thời điểm chuyển giao đó của sao Kim là 4 tỷ năm trước. David lại cho rằng bước chuyển đó xảy ra muộn hơn nhiều. Dựa trên phân tích về ảnh hưởng của mây trên bầu khí quyển của sao Kim, David chỉ ra trong vòng 2 tỷ năm sau khi ra đời, sao Kim đã có khí hậu ôn hòa.
Sau đó, xuất hiện hiệu ứng nhà kính làm sao Kim mất nước, quá trình vận động các mảng trong lòng hành tinh ngưng lại hoàn toàn, nhiệt độ trong lòng sao Kim tăng lên không ngừng. Do vậy làm tan chảy lớp thạch quyển trên bề mặt và tái liên kết. Quá trình này diễn ra cách đây chỉ 700 triệu năm.
Trong trường hợp giả thiết này của David là đúng thì những vùng không gian có sự sống quanh các vì sao có thể rộng hơn nhiều so với dự đoán trước đây của giới khoa học Trái Đất. Trong các hành tinh, sao Kim khá quan trọng trong cuộc hành trình tìm kiếm sự sống ngoài Trái Đất bởi khoảng cách gần và có nhiều điểm tương đồng với Trái Đất.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!