"Trên thế giới, cứ 100 đồng tiền đến từ thu nhập gian lận trên YouTube thì có 55 đồng do người Việt Nam làm ra. Số tiền trên chiếm hơn 1/2 số tiền thu nhập do gian lận mà có. Trong khi, đất nước đứng thứ hai cũng chỉ bằng 1/10 của chúng ta" - Thông tin trên được Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm đưa ra tại Hội thảo kết nối mạng lưới quản lý đa kênh (MCN), các công ty truyền thông và nhà sáng tạo nội dung trên mạng (KOLs) được tổ chức mới đây.
Điều này đặt ra những thách thức về việc loại bỏ nội dung xấu độc trên không gian mạng với các cơ quan quản lý, các nhà sáng tạo nội dung, và cả người dùng mạng xã hội. Việt Nam đứng đầu thế giới về lạm dụng không gian mạng để gian lận, vi phạm luật - một kỷ lục đáng buồn, phơi bày thực trạng kiếm tiền bất chấp trên mạng xã hội.
Theo đó, các cách kiếm tiền gian lận phổ biến gồm có: Sản xuất nội dung vi phạm bản quyền, lấy nội dung người khác làm ra rồi đăng tải lại lên YouTube; mua phim đồi trụy Nhật Bản, chia thành những clip nhỏ, lập kênh YouTube, rồi bán cho khán giả Mỹ hoặc livestream trận bóng đá có bản quyền thuộc về các đài truyền hình, từ đó thu hút lượt xem, để quảng cáo cờ bạc. Điều đáng lo ngại là những hành vi này diễn ra ngày càng phổ biến.
Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, sắp tới sẽ có thêm nhiều chế tài để hạn chế người làm nội dung bẩn không thể kiếm tiền, không thể tiếp cận được với công chúng. Các trang, kênh, tài khoản "xấu độc" được cơ quan chức năng phát hiện cũng sẽ được gửi tới các nhãn hàng và doanh nghiệp để loại trừ quảng cáo.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!