Dự án Giáo dục THCS Khu vực khó khăn nhất giai đoạn 2, Cục Công nghệ Thông tin (CNTT), Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) phối hợp với Microsoft Việt Nam và Vietnet ICT đã khởi động chuỗi tập huấn chương trình Tin học ứng dụng và Khoa học máy tính cho gần 500 giáo viên Tin học của các tỉnh Hòa Bình, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Quảng Nam, Sóc Trăng và Kiên Giang. Theo mục tiêu đến năm 2020 của Chính phủ, Việt Nam cần hơn 1 triệu lao động hoạt động trong lĩnh vực CNTT. Để đạt mục tiêu này, đòi hỏi đầu tư bài bản việc tiếp cận CNTT cho học sinh từ các bậc học phổ thông trên mọi vùng miền. Tuy nhiên, hiện nay, kiến thức tin học của học sinh còn hạn chế và chưa thể là hành trang giúp các em tiếp cận cơ hộị nghề nghiệp hay học tập cao hơn.
Dự án "Tăng cường kỹ năng Công nghệ thông tin cho Giới trẻ hội nhập và phát triển" do Microsoft tài trợ chính là sáng kiến hướng tới mục tiêu phổ cập khoa học máy tính và CNTT, đặc biệt là cho học sinh dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa, những địa bàn gặp khó khăn khi tiếp cận công nghệ. Triển khai từ đầu năm 2016, dự án đã khảo sát thực tế dạy và học môn Tin học tại 9 trường THCS, dân tộc nội trú và Trung tâm giáo dục thường xuyên trên địa bàn Hoà Bình, Đà Nẵng, Kiên Giang.
Theo khảo sát, máy tính tại các trường đều cũ và sử dụng ứng dụng không cập nhật. Các chương trình Tin học được dạy như DOS, Pascal… đều không còn phù hợp. Tuy nhiên, hơn 50% học sinh THCS đều đã biết sử dụng Microsoft Office, 78% muốn học cách xây dựng ứng dụng cho điện thoại hoặc máy tính. Ngoài ra, các em đều hào hứng tham dự những chương trình học đa phương tiện mang tính tương tác cao như KODU, SCRATCH, ALICE, làm phim, đồ hoạ 3D, đồ họa 2D...
Dựa vào thực tế này, Cục CNTT- Bộ GD&ĐT chỉ đạo xây dựng chương trình "Tin học ứng dụng và Khoa học máy tính ngoại khóa thí điểm" cho học sinh THCS theo 3 chủ đề: Một số ứng dụng tin học cơ bản; Đồ họa 2D, 3D và dựng phim; Lập trình 2D và 3D.
Xuyên suốt chương trình này, học sinh sẽ làm quen với hệ điều hành, những ứng dụng hiện đại trên nền tảng điện toán đám mây như bộ Office 365, trải nghiệm lập trình 2D, 3D hay dựng phim. Người học được tiếp cận các bước cơ bản trong lập trình bằng phương pháp vừa học vừa chơi thông qua lập trình trực quan để tự xây dựng được những ngữ cảnh trò chơi với đầy đủ hội thoại, âm thanh và hiệu ứng như Scratch và KoDu. Sau khóa học, học sinh có thể tự thiết kế và phác thảo đồ họa, từ đơn giản đến phức tạp đồng thời hiểu về phương thức tổ chức một bộ phim, cách dựng cảnh, xử lý đa phương tiện và ghép hình, lồng âm thanh,… để tạo ra clip video chuyên nghiệp. Ngoài ra, giáo trình còn bổ sung cho người học những kiến thức về Internet, www, mạng xã hội, các ứng dụng web cũng như kỹ năng bảo mật và an toàn trên mạng.
Để đổi mới công tác tập huấn nhằm nâng cao chất lượng giáo viên, dự án đã khởi động hình thức tập huấn qua mạng và dạy trực tiếp. Giáo viên có thể nghiên cứu các bài giảng e-learning có sẵn trên Cổng tập huấn của Bộ GD&ĐT và tìm trợ giúp của các chuyên gia tại địa chỉ: http://taphuan.moet.edu.vn. Do giáo viên sẽ hoàn thành mọi bài học e-learning trước khi tập huấn trực tiếp nên chương trình này chỉ tập trung nâng cao kiến thức và phương pháp tổ chức lớp học. Các lớp bồi dưỡng trực tuyến hàng tháng sẽ được tổ chức để giải đáp thắc mắc và cập nhật các ứng dụng và phương pháp giáo dục mới cho giáo viên.
Đợt tập huấn đầu tiên diễn ra vào ngày 5, 6/11/2016 tại Hải Phòng cho các giáo viên của Hòa Bình và Quảng Ninh. Hai đợt đào tạo tiếp theo dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 12, 13/11 và 15, 16/11/2016 tại Cần Thơ và Đà Nẵng cho giáo viên các tỉnh Đà Nẵng, Quảng Nam, Sóc Trăng, Kiên Giang. Dự kiến, chương trình sẽ tiếp cận được hơn 50.000 học sinh của 356 trường dân tộc thiểu số và vùng khó khăn qua các giờ học ngoại khoá hoặc các trung tâm Ekocenter.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!