Thứ nhất là sự hiếu kỳ về viễn cảnh xã hội trí tuệ nhân tạo trong tương lai. Thứ hai là nỗi trăn trở về vị thế của con người nói chung và của người Việt Nam nói riêng trong xã hội đó. Mùa Xuân, mùa của vận hội mới và những hy vọng mới đã tới. Đây cũng là lúc Việt Nam cần chuẩn bị sẵn sàng để tiến vào kỷ nguyên số - kỷ nguyên trí tuệ nhân tạo bằng những nhận thức mới, sức mạnh mới, xứng tầm với tiềm năng và bản sắc của chúng ta.
Xã hội trí tuệ nhân tạo - Cơ hội và thách thức
100 năm đã qua kể từ ngày chiếc TV đầu tiên ra đời. Sau 100 năm, hình ảnh của màn hình đen trắng ngày nào đã được phát triển thành công nghệ hình ảnh có độ nét cực cao (4K, 8K) với gần chục triệu điểm ảnh trên một màn hình. Gương mặt của chúng ta có thể được chụp sắc nét với độ phân giải cực cao từ một ống kính vệ tinh ngoài Trái Đất. Sau 100 năm, không khoảng cách nào thực sự tồn tại dưới "phép màu" của công nghệ.
Không dừng lại ở khoảng cách, công nghệ cho phép con người "thổi hồn" cho vạn vật. Robot ngày nay không chỉ có khả năng thực hiện chính xác mệnh lệnh của con người thông qua câu lệnh. Nhờ khả năng phân tích giọng nói, nhịp tim, sự co giãn của đồng tử mắt, một thiết bị công nghệ giờ đã có khả năng hiểu được suy nghĩ, cảm xúc của người đối diện với độ chính xác cao và có thể tương tác qua lại. Robot Sophia thậm chí đã được Chính phủ Saudi Arabia công nhận quyền công dân năm 2017. Chúng ta đang tiến đến một xã hội mà ở đó giao thông vận hành nhờ các phương tiện không người lái, các giải pháp phân luồng giao thông tự động không cần con người, đảm bảo tính chính xác và tuân thủ gần như tuyệt đối. Có vô vàn những ứng dụng đáng ngưỡng mộ mà cuộc cách mạng số 4.0 đã, đang và sẽ ra đời làm thay đổi toàn bộ xã hội chúng ta.
Nhưng quan trọng hơn cả, điều làm nên tính duy nhất và siêu việt của trí tuệ nhân tạo là "tính con người". Trí tuệ nhân tạo được thừa hưởng một đặc điểm vô cùng quý giá - đó là khả năng tư duy và tiến bộ giống như con người.
Trí tuệ nhân tạo có khả năng "tự học" dựa trên việc mô phỏng lại những hành vi, quyết định của con người. Việc mô phỏng này không chỉ là lặp lại y nguyên mà còn có sự tiến bộ. Tiến bộ ở chỗ trí tuệ nhân tạo có thể chọn lọc được những hành vi, lựa chọn nào có khả năng đem lại kết quả kỳ vọng. Để có thể hoàn tất quá trình tự học này, trí tuệ nhân tạo cần được cung cấp một dữ liệu đủ lớn và liên tục về hành vi, quyết định của con người.
Ví dụ đơn giản: Khi bạn dành nhiều sự chú ý và tương tác (như like, comment) cho các thông tin chính trị trên mạng xã hội, bạn sẽ nhận được nhiều gợi ý hoặc ngày càng đọc được nhiều bài đăng liên quan đến chủ đề chính trị. Đó là kết quả của quá trình mạng xã hội "học tập" thói quen của chúng ta, tiến hành "đánh giá" sở thích của ta và ra quyết định ưu tiên đẩy lên những nội dung mà chúng ta thích.
Dữ liệu của người dùng, từ đây, trở thành tài sản mà bất cứ tổ chức nào cũng mong muốn. Ai nắm giữ dữ liệu, người đó nắm giữ khả năng thấu hiểu đám đông hay thậm chí chi phối đám đông.
Thông tin sau đây không mới nhưng chắc chắn vẫn đủ sức làm nhiều người ngỡ ngàng:
Thông qua phân tích 10 likes chúng ta click trên Facebook, Facebook có khả năng hiểu về chúng ta chính xác hơn một đồng nghiệp.
Thông qua 70 likes, Facebook đánh giá sở thích, phong cách của ta chính xác hơn một người bạn cùng phòng.
Với 150 likes, Facebook đưa ra phân tích về con người chúng ta chính xác hơn một thành viên trong gia đình.
Và với 300 likes trở lên, Facebook hiểu chúng ta hơn cả người bạn đời (vợ/chồng) của mình.
[Đại học Standford và Trung tâm Tâm lý học của Đại học Cambridge]
Chúng ta để lại bao nhiêu tương tác trên Facebook và các nền tảng mạng xã hội khác chính là để lại bấy nhiêu dữ liệu cho quá trình "tự học" của trí tuệ nhân tạo. Giá trị mà chúng ta theo đuổi - hướng thiện hay bạo lực, yêu thương hay thù hận, gắn kết hay chia rẽ - chính là những bài học chúng ta trao cho trí tuệ nhân tạo. Trí tuệ nhân tạo mô phỏng chính chúng ta, chính xã hội loài người theo cách chân thực nhất. Xã hội trí tuệ nhân tạo trong tương lai sẽ ra sao - xấu xa hay lương thiện, là hiểm họa hay vận may cho loài người - hoàn toàn do giá trị của xã hội chúng ta ngày hôm nay quyết định.
Thách thức rõ ràng không nằm ở sự ưu việt của trí tuệ nhân tạo. Thách thức nằm ở những giá trị mà con người đang truyền đạt cho trí tuệ nhân tạo. Một xã hội "xấu xí" với đầy rẫy những quyết định cùng tư duy ích kỷ, bạo lực, không lành mạnh thì không thể để lại những dữ liệu tích cực cho trí tuệ nhân tạo. Thêm vào đó, khuôn khổ chính trị, luật pháp hiện nay chưa được chuẩn bị để quản trị xã hội với sự hiện diện của một nhân tố quá mới như trí tuệ nhân tạo.
Nhiều trường hợp, các quốc gia và cả những tổ chức quốc tế lớn nhất như Liên Hợp Quốc cũng rơi vào thế bị động khi ứng phó với các sự cố liên quan đến trí tuệ nhân tạo. Một ví dụ điển hình nhất là tin tức giả mạo. Thông qua những nền tảng có ứng dụng trí thông minh nhân tạo, tin giả đã thâm nhập vào cả những kênh truyền thông uy tín nhất, làm ảnh hưởng đến những sự kiện có tầm quan trọng sống còn của quốc gia và thế giới. Niềm tin trong xã hội trí tuệ nhân tạo ngày nay bị xói mòn nghiêm trọng bởi những thách thức đó.
Để quản trị và phát triển xã hội trí tuệ nhân tạo cần phải thiết lập cơ chế quản trị toàn cầu đối với trí tuệ nhân tạo. Sức ảnh hưởng của trí tuệ nhân tạo không chịu giới hạn bởi biên giới, do vậy, một cơ chế quản trị hiệu quả cần sự chung tay, đóng góp của cộng đồng các quốc gia. Xu hướng tự cô lập, chia rẽ sẽ khiến chúng ta yếu ớt hơn trước những nguy cơ đồng thời không thể tạo dựng và bảo vệ được hệ giá trị có ý nghĩa để cùng phát triển với trí tuệ nhân tạo. Chỉ bằng cách đồng hành cùng nhau, chúng ta mới tạo điều kiện cho những kiến thức, tư duy và hành vi tích cực phát triển. Đây sẽ là "dinh dưỡng" có lợi cho sự phát triển của trí tuệ nhân tạo, hướng đến một xã hội trí tuệ nhân tạo thực sự cho con người, vì con người.
Thế giới đã quan tâm đến chủ đề này từ nhiều năm trước đây. Tháng 09/2018, Đại học Liên Hợp Quốc (UNU) thậm chí đã phát hành cuốn "Chiến lược của Tổng Thư ký về Công nghệ mới". Trung Tâm Nghiên cứu Chính sách tại UNU cũng đã công bố nghiên cứu "Nền tảng Quản trị AI và Toàn cầu", khẳng định quan điểm: Cần tạo ra một không gian "tất cả trong một" (không loại trừ ai) để các nhà nghiên cứu, nhà hoạch định chính sách, nhà lãnh đạo các doanh nghiệp cùng khám phá, tìm giải pháp quản trị xã hội thời kỳ trí tuệ nhân tạo.
Chiến lược của Tổng Thư ký về Công nghệ mới (09/2018)
Đại học Liên Hợp Quốc UNU
Quản trị xã hội trí tuệ nhân tạo cũng là chủ đề của Diễn đàn Liên minh Lãnh đạo Thế giới - Club de Madrid - năm nay được tổ chức tại Thủ đô Madrid (Tây Ban Nha). Diễn đàn quy tụ 102 cựu nguyên thủ của 60 quốc gia trên toàn thế giới cùng hàng trăm học giả và doanh nhân tên tuổi toàn cầu. Tại đây, các đại biểu đã bàn bạc và thống nhất một thoả thuận chung mang tên "Xã hội trí tuệ nhân tạo toàn cầu 2020" (AI World Society 2020) nhằm thích ứng với những thay đổi trong kỷ nguyên số. Thỏa thuận nhấn mạnh vai trò của chính phủ và các thực thể tư nhân trong việc hợp tác, sát cánh tạo ra một trường số hoá minh bạch, đảm bảo lợi ích của cộng đồng, bảo vệ an toàn cho các cá nhân, tổ chức cũng như thông tin của họ trong kỷ nguyên số. Diễn đàn toàn cầu Boston, Viện Nghiên cứu Michael Dukakis và Học viện Công nghệ Massachusetts (MIT) trở thành ba đơn vị đồng hành trong thoả thuận này với mục tiêu liên kết các nhà khoa học và giới nghiên cứu trên toàn thế giới để kiến tạo sự bền vững, ổn định cho xã hội trí tuệ nhân tạo.
Quản trị xã hội trí tuệ nhân tạo
Nhận thức rõ những thách thức quản trị một xã hội trí tuệ nhân tạo mới thấy đây là bài toán khó với cả các nước phát triển, những nước vốn đặt vấn đề nghiên cứu trí tuệ nhân tạo từ trước Việt Nam hàng chục năm. Chỉ tính riêng trong 5 năm, từ Quý I/2012 đến Quý II/2016, Mỹ đã dành 17,9 tỉ USD để đầu tư vào các công ty trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo. Con số này đứng đầu thế giới, gấp gần 7 lần quốc gia đứng ở vị trí thứ hai là Trung Quốc (2,6 tỉ USD) [Viện Nghiên cứu Wuzhen, Trung Quốc]. Vậy Việt Nam ở đâu trên bản đồ Trí tuệ Nhân tạo và tương lai xã hội Trí tuệ Nhân tạo?
"… Bất kỳ nước nào khi trở thành thủ lĩnh trong lĩnh vực này (Trí tuệ Nhân tạo) thì sẽ trở thành nước lãnh đạo thế giới"
[Tổng thống Nga Vladimir Putin, 2017]
Việt Nam có cách tiếp cận phù hợp với xu thế thế giới trong việc quản trị xã hội trong thời đại trí tuệ nhân tạo. Xã hội trong kỷ nguyên trí tuệ nhân tạo vẫn phải là một xã hội có quy tắc, chuẩn mực phù hợp với bản sắc, văn hoá của con người trong xã hội đó. Đây là điều kiện nền tảng, định hướng cho quá trình "tự học" và phát triển của trí tuệ nhân tạo. Muốn tạo dựng được nền tảng đó, mỗi cá nhân, tổ chức và thành phần trong xã hội cần phải có nhận thức và hành động cụ thể.
Ở cấp vĩ mô, lãnh đạo các quốc gia đã nhận thức được tầm quan trọng của việc xây dựng Chính phủ trí tuệ nhân tạo nhằm quản trị, quản lý và định hướng sự phát triển nhanh chóng của trí tuệ nhân tạo. Chính phủ trí tuệ nhân tạo không chỉ quản lý tác động của trí tuệ nhân tạo trên mọi mặt của đời sống mà còn là trung tâm của các sáng kiến, có tính định hướng cho sự phát triển bền vững của xã hội trí tuệ nhân tạo. Mỗi quốc gia có một bản sắc, một đặc điểm lịch sử, văn hoá riêng. Để sự phát triển rộng khắp của trí tuệ nhân tạo thực sự hài hoà với mỗi cộng đồng, mỗi quốc gia, phục vụ lợi ích chân chính của mỗi dân tộc, vai trò của Chính phủ trí tuệ nhân tạo là vô cùng quan trọng.
Bà Vaira Vike-Freiberga - Cựu Tổng thống Latvia, Chủ tịch Club de Madrid và ông Nguyễn Anh Tuấn - Chủ tịch Diễn đàn Toàn cầu Boston (phải) nhận tặng phẩm đặc biệt là chiếc quạt Trầm Hương từ ông Nguyễn Văn Tưởng – Chủ tịch Trầm Hương Khánh Hoà ATC .
Ở góc độ doanh nghiệp, Trầm Hương Khánh Hoà ATC nhận thức rõ những tiện ích tuyệt vời mà trí tuệ nhân tạo đem lại cho con người. Với tư cách là đại diện doanh nhân duy nhất của Việt Nam tại Diễn đàn Liên minh Lãnh đạo Thế giới (Club de Madrid), Trầm Hương Khánh Hoà khẳng định quan điểm cũng như cách tiếp cận mình với xã hội trí tuệ nhân tạo: cần phải kiến tạo trái tim và tâm hồn cho trí tuệ nhân tạo. Sự phát triển của trí tuệ nhân tạo khác với sự phát triển của loài người ở chỗ mỗi con người được trao cho cả khối óc lẫn trái tim nhưng trí tuệ nhân tạo thì không như vậy. Chúng ta cần tính đến tác động (cả tích cực và tiêu cực) của những "khối óc không có trái tim". Xã hội mà chúng ta hướng đến vẫn coi giá trị của con người là trung tâm. Hầu hết những thành quả quan trọng nhất của quá trình phát triển đều xuất phát từ một mục tiêu "vì con người". Do đó, phải giữ gìn và truyền đạt được giá trị "vì con người" làm nền tảng cho trí tuệ nhân tạo mới có thể đảm bảo sự phát triển bền vững cho xã hội.
Đó là lý do Công ty Trầm Hương Khánh Hoà ATC xây dựng Làng Hoà Bình Sáng tạo Nha Trang - i Nha Trang (tỉnh Khánh Hoà) trở thành nơi hội tụ tài năng của Việt Nam và thế giới. Nước Mỹ đã có Thung lũng Silicon từ những năm cuối thập niên 70, nơi tập trung mật độ lớn chất xám của các ngành công nghiệp, công nghệ hiện đại nhất thế giới. Việt Nam với Làng Hoà Bình Sáng tạo Nha Trang sẽ là môi trường lý tưởng để những tài năng có cơ hội cùng làm việc, cùng nghiên cứu, tạo ra những giá trị mới cho Việt Nam và cho khu vực. Sự ra đời của Làng Hoà Bình Sáng tạo sẽ là cú hích đủ mạnh để khuyến khích trí tuệ Việt Nam vươn ra thế giới và đưa tinh hoa của thế giới đến với Việt Nam, là nền móng đầu tiên cho sự ra đời của một sàn giao dịch các ý tưởng sáng tạo, được quản trị và phát triển một cách có định hướng, thực sự phục vụ lợi ích của cộng đồng, vì con người, cho con người.
Đồng hành cùng Liên minh Lãnh đạo Thế giới (Club de Madrid) trong việc xây dựng xã hội trí tuệ nhân tạo toàn cầu (AI World Society) là cam kết dài hạn của ATC nhằm góp phần xây dựng một nền kinh tế trí tuệ nhân tạo toàn cầu có giá trị tích cực. Trong xã hội trí tuệ nhân tạo, lợi ích của một quốc gia chắc chắn không nằm ngoài lợi ích chung của cộng đồng thế giới. Đồng hành cùng chiến lược của Liên minh Lãnh đạo Thế giới, Việt Nam khẳng định đã sẵn sàng hội nhập, lan toả giá trị của mình tới thế giới, chủ động nắm bắt xu thế phát triển.
Tư duy này của Trầm Hương Khánh Hoà với tư cách là đại diện cho Việt Nam được các đại biểu tại Diễn đàn Liên minh Lãnh đạo Thế giới (Club de Madrid) đánh giá cao và sẽ được nhấn mạnh tại Hội nghị sắp tới diễn rại tại Harvard (Mỹ) vào ngày 28/04/2020. Hội nghị với sự đồng hành của Diễn đàn toàn cầu Boston, Viện Nghiên cứu Michael Dukakis và Học viện Công nghệ Massachusetts (MIT) chắc chắn sẽ mở ra nhiều kiến thức và hướng đi triển vọng cho Việt Nam trong việc làm chủ vận mệnh của mình ở kỷ nguyên Trí tuệ Nhân tạo Toàn cầu.
"Thay vì nghi ngờ, phong toả dữ liệu, hãy đảm bảo giá trị mà xã hội tạo ra trong các dữ liệu là tích cực" - đó là chia sẻ của Giáo sư Alex "Sandy" Pentland từ MIT, một trong bảy nhà khoa học dữ liệu (Data Science) hàng đầu thế giới. Ông cho rằng nếu đã không thể tránh khỏi cái gọi là xu thế, hãy đảm bảo dữ liệu được chia sẻ một cách minh bạch và rộng rãi hơn thay vì chỉ tập trung vào tay một số người. Chúng ta cần cùng nhau tìm cách mở rộng cơ hội tiếp cận dữ liệu mà vẫn tôn trọng các quyền riêng tư của mỗi người.
"Trí tuệ nhân tạo chỉ tốt đẹp khi dữ liệu tạo ra chúng tốt đẹp. Hãy hiểu rõ những dữ liệu mà chúng ta đang tạo ra và đang đưa vào hệ thống".
[GS. Alex "Sandy" Pentland, 2019]
Ông Nguyễn Văn Tưởng – Chủ tịch Trầm Hương Khánh Hoà (phải) và Giáo Sư Alex "Sandy" Pentland - Học viện Công nghệ Massachusetts (MIT) tại Diễn đàn Liên minh Lãnh đạo Thế giới Club de Madrid.
Đưa Trầm Hương Khánh Hoà đến với Diễn đàn mang tầm cỡ quốc tế, thảo luận về xã hội trí tuệ nhân tạo trong tương lai, tôi luôn khẳng định: Việt Nam là quốc gia trầm hương. Trầm hương là hiện thân cao quý nhất của trí tuệ, tình yêu thương, là sự thăng hoa của giá trị đúc kết qua thời gian và thử thách. Đó cũng chính là cam kết của chúng tôi, bước ra thế giới, hướng tới xã hội trí tuệ nhân tạo bằng giá trị tích cực, mang bản sắc của Việt Nam, gắn kết - yêu thương - cùng phát triển với bạn bè thế giới.
"Giống như Trầm Hương đã kết nối tâm hồn hướng thiện của nhiều tôn giáo, dân tộc, tôi hy vọng chúng ta hãy kết nối với nhau, cùng hướng tới một tương lai nhân ái, hoà bình, vượt qua khác biệt và toan tính riêng. Chỉ có như vậy, thành quả mà chúng ta tạo ra, trong đó có trí tuệ nhân tạo, mới không xâm phạm lợi ích của nhau, mới thực sự góp phần cho sự phát triển của nhân loại."
[Chủ tịch Trầm Hương Khánh Hoà Nguyễn Văn Tưởng, Club de Madrid, 2019]
Thay lời kết
Năm 2019 khép lại với nhiều dấu ấn đáng nhớ. Đối với Trầm Hương Khánh Hoà, 2019 là năm đầu tiên đưa Lễ Dâng Trầm thiêng liêng đến với nhân dân cả nước, là năm đầu tiên giới thiệu hình ảnh Việt Nam - Quốc gia Trầm Hương đến với bạn bè quốc tế, cũng là năm cam kết đồng hành cùng sáng kiến xã hội trí tuệ nhân tạo của Liên minh Lãnh đạo Thế giới. Nhiều dấu ấn là vậy, nhưng tôi chọn chia sẻ câu chuyện trí tuệ nhân tạo vào dịp xuân mới với hy vọng: sức sống, tính đột phá, thách thức nhưng không kém phần hấp dẫn của chủ đề này sẽ là nguồn năng lượng mới dồi dào cho tất cả chúng ta.
Bước sang năm mới 2020, ATC sẽ tiếp tục hiện diện cùng Liên minh Lãnh đạo thế giới tại Diễn đàn Harvard (tháng 04/2020), tiến một bước dài hơn nữa trên con đường tạo ra giá trị cho Việt Nam trong kỷ nguyên số. Người Việt Nam kế thừa được tinh hoa của thế hệ đi trước - những con người thông minh, kiên trì, giàu bản lĩnh. Việc cần làm lúc này là biến tinh hoa thành giá trị cho xã hội, nắm lấy cơ hội làm chủ cuộc chơi.
Tôi và ATC luôn tin tưởng: với những bước đi đúng, kịp thời, chúng ta sẽ thể hiện được vai trò của mình trong xã hội trí tuệ nhân tạo toàn cầu. Chúc cho tinh thần Việt Nam, trí tuệ Việt Nam và đất nước Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới của trí tuệ nhân tạo như bước vào một mùa xuân mới, đầy sức sống và hùng cường.
Chủ tịch Trầm Hương Khánh Hòa
Nguyễn Văn Tưởng
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!