"Liên lạc" và "cập nhật" - hai từ khóa chủ đạo trong "đời sống ảo" của người Việt
Theo báo cáo Vietnam Digital Advertising 2019 do Adsota phát hành, trong năm qua, trung bình hàng ngày mỗi người Việt Nam dành khoảng 6 tiếng 42 phút - tương đương với 1/4 ngày, để truy cập Internet trên tất cả các thiết bị. Trong đó, 2 tiếng 33 phút được dành để truy cập vào các mạng xã hội, cao hơn so với mức trung bình của thế giới là 2 tiếng 16 phút.
Theo báo cáo, 76% người được khảo sát cho biết họ sử dụng các nền tảng số để theo dõi và tương tác với bạn bè và người thân. Tiếp đến là các hoạt động cập nhật tin tức về các sự kiện đang diễn ra hoặc các tin tức giải trí, lần lượt chiếm 48% và 39% các hoạt động trực tuyến của người dùng Việt.
Tuy nhiên, trái ngược với sức mạnh truyền thông mà các nền tảng số mang lại, hoạt động cập nhật theo dõi thương hiệu/doanh nghiệp chỉ chiếm tỷ trọng trung bình, chỉ 11%. Chính vì vậy, để đạt được hiệu quả truyền thông cao nhất, các thương hiệu cần phải thoát khỏi rào cản thương hiệu để len vào đời sống của người dùng, ví dụ như tạo ra các sự kiện, nội dung số có tính cập nhật và giải trí hay tiếp cận một cách gần gũi với khách hàng thông qua các kênh gần gũi với người dùng như: influencers, micro influencers...
"Ưu ái" dành 42% quỹ thời gian lên mạng cho thiết bị Mobile
Ngày nay, người Việt Nam chủ yếu truy cập mạng Internet thông qua các công cụ di động, đặc biệt là smartphone. Việc sử dụng máy tính cá nhân (PC) để tham gia và thế giới trực tuyến cũng chỉ chiếm khoảng 30%. Rõ ràng, smartphone đã trở thành một điểm chạm quan trọng, gây ảnh hưởng đến rất nhiều quyết định của khách hàng. Số lượng người tiêu dùng sử dụng smartphone để tra cứu thông tin sản phẩm và mua hàng đạt mức tỷ trọng ấn tượng với 59% và 53%. Theo đó, người Việt Nam có xu hướng yêu thích và tương tác nhiều hơn với các nội dung được thiết kế thân thiện với nền tảng mobile.
Sự phát triển của cộng đồng riêng tư - từ cập nhật thông tin đến "tâm sự cùng người lạ"
Ngày nay, nhu cầu được tiếp cận với những thông tin hấp dẫn và chất lượng ngày càng tăng cao đã tạo ra hai đối tượng người dùng trên mạng xã hội. Một bên muốn tham gia những cộng đồng văn minh và được tiếp nhận những thông tin chất lượng. Một bên lại có mong muốn tạo dựng và sẵn sàng đóng góp cho những cộng đồng ấy. Như một xu thế tất yếu, các group kín dần được thành lập và trở nên lớn mạnh trên nền tảng Facebook, tạo được cam kết lâu dài giữa từng thành viên và cộng đồng. Đây là kết quả từ mong muốn được tiếp cận với các thông tin độc quyền một cách nhanh chóng nhất của người dùng. Điều này cũng đúng khi áp dụng với các nhãn hàng/thương hiệu. Bởi người dùng Việt chắc chắn sẽ muốn tham gia vào group kín của nhãn hàng khi biết họ có thể nhận được những thông tin/khuyến mãi đặc biệt, từ đó tạo dựng được tập khách hàng trung thành cho doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, nhu cầu được chia sẻ các vấn đề riêng tư, cho và nhận lời khuyên vẫn luôn tồn tại, đặc biệt là đối với nữ giới. Theo báo cáo Vietnam Digital Advertising 2019, người dùng mạng xã hội là nữ giới có xu hướng tương tác nhiều hơn với các bài post trên mạng xã hội. Theo đó, cũng có rất nhiều cộng đồng tồn tại với mục đích để người dùng có thể chia sẻ các vấn đề cá nhân và nhận lời khuyên từ mọi người.
Đây là một yếu tố then chốt mà các thương hiệu cần lưu ý khi thực hiện các nội dung quảng cáo trực tuyến. Với đặc điểm dễ bị tác động hơn hẳn bởi những yếu tố cảm xúc và các luồng thông tin khác nhau, nữ giới trở thành đối tượng hoạt động vô cùng tích cực trên mạng xã hội. Họ sẵn sàng tương tác và chia sẻ ý kiến cá nhân về những vấn đề và thông điệp có liên quan. Chính vì vậy để tăng lượt tiếp cận và tương tác trên các kênh truyền thông của mình, doanh nghiệp và thương hiệu có đối tượng khách hàng chủ yếu là nữ giới có thể thực hiện những nội dung quảng cáo với thông điệp hướng đến các vấn đề nổi trội của đối tượng này, đồng thời thúc đẩy các hoạt động như: chia sẻ câu chuyện cá nhân, chia sẻ trải nghiệm...