Rất nhiều những mối lo khi con trẻ bắt đầu năm học mới, từ lo lắng các dịch bệnh truyền nhiễm đến việc thay đổi những thói quen đã tồn tại suốt dịp hè để con bắt kịp trở lại với nề nếp học tập.
Theo báo cáo mới nhất từ Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, hiện trẻ em ở nước ta dành 5 - 7 tiếng mỗi ngày cho việc sử dụng thiết bị điện tử vào Internet, cao hơn 2 - 3 lần so với khuyến cáo. Con số này thậm chí có thể lớn hơn rất nhiều trong dịp hè vừa qua khi các con được nghỉ nhưng bố mẹ vẫn phải đi làm. Việc rèn lại nề nếp sinh hoạt gặp rất nhiều khó khăn. Nhất là khi trẻ phụ thuộc ngày càng nhiều vào các thiết bị điện tử có thể dẫn đến nhiều hệ lụy nghiêm trọng cho sức khỏe thể chất và tinh thần.
Liên tục kiểm tra camera là cách mà chị Hà cho rằng có thể hạn chế con sử dụng các thiết bị điện tử. Tuy nhiên, nếu trẻ muốn thì chúng luôn có cách.
Em Hoàng Nguyên Trung chia sẻ: "Có những hôm con lén lút chơi ở sofa và bàn học vì camera chỉ lắp ở phòng bếp mà thôi. Con bị cận thị từ năm lớp 3, con chỉ biết chắc là do con chơi game và sử dụng iPad quá nhiều".
"Đang ăn cơm mà mẹ kiểm tra qua camera thấy con vừa ăn vừa xem iPad. Bố mẹ thì đi làm xa, bà ở nhà cũng không biết con đang xem cái gì. Có khi con bảo học thì lại đang chơi game. Chị bảo con chị rằng, nếu không thực hiện đúng thì chị sẽ cắt Wi-Fi, không nộp tiền nữa, đó là biện pháp cuối cùng" - chị Nguyễn Thị Thu Hà cho biết.
Sau đợt nghỉ hè, số trẻ bị cận thị tăng đáng kể do cả kỳ nghỉ, nhiều trẻ chỉ ở trong nhà xem tivi và sử dụng các thiết bị điện tử, hạn chế tiếp xúc với không gian, ánh sáng bên ngoài khiến thị lực bị ảnh hưởng.
Thạc sĩ, Bác sĩ Lê Thị Thu Hà - Phó Trưởng khoa Khúc xạ, Bệnh viện Mắt quốc tế DND - cho rằng: "Sau khi đợt hè, bố mẹ cho con đến khám lại trước khi vào năm học mới thì số lượng lớn các bạn đến khám có tỷ lệ tăng số khá là nhiều. Có cả những bệnh lý về tâm thần luôn, có thể là trầm cảm, hội chứng Tic…, ảnh hưởng rất nhiều đến sức khoẻ".
Hạn chế nguy cơ trẻ bị cận thị, thay đổi thói quen sinh hoạt hè để con vào nề nếp cũ luôn là nỗi băn khoăn của nhiều gia đình khi năm học mới bắt đầu. Thay vì cấm cản, chị Nguyệt phải tìm nhiều giải pháp công nghệ để có thể quản lý thời gian cũng như giới hạn các ứng dụng khi con sử dụng các thiết bị điện tử.
Trẻ em rất là khó để có thể làm chủ các thiết bị công nghệ. Có rất nhiều công ty công nghệ trên thế giới cũng tập trung vào các yếu tố an toàn.
Thiết bị công nghệ không hẳn là xấu mà nó là công cụ tốt để con có thể kết nối, học hỏi và phát triển nếu sử dụng đúng cách. Điều quan trọng là cha mẹ phải lựa chọn các chương trình và trò chơi phù hợp với độ tuổi của trẻ. Đặc biệt, phát triển khả năng tự kiểm soát của trẻ em là chìa khóa, trang bị cho trẻ những thiết bị công nghệ chuyên biệt hỗ trợ cho việc học tập và giải trí an toàn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!