Sự cố "màn hình xanh chết chóc" xảy ra với nhiều hệ thống trên toàn cầu (Ảnh minh họa: TweakTown)
Ngày 19/7, hàng loạt hệ thống lớn tại sân bay, bệnh viện, doanh nghiệp sử dụng hệ điều hành Windows bất ngờ gặp lỗi "màn hình xanh" và không thể khởi động lại để hoạt động bình thường. Sự cố đã gây ảnh hưởng tới nhiều cơ quan, tổ chức tại các quốc gia: Đức, Singapore, Tây Ban Nha, Ấn Độ, Israel, Nam Phi...
Nguyên nhân vấn đề được cho là xuất phát từ lỗi trong hệ thống của công ty an minh mạng toàn cầu CrowdStrike - đối tác của Microsoft. Phát ngôn viên của Microsoft cho biết, CrowdStrike đã nhận được báo cáo về sự cố trên máy chủ Windows liên quan đến Falcon Sensor - phần mềm bảo vệ máy tính trước các cuộc tấn công mạng.
"Màn hình xanh chết chóc" là báo lỗi không quá xa lạ đối với người dùng máy tính chạy hệ điều hành Windows
Ông Stefano Zanero - chuyên gia phân tích, nghiên cứu an ninh mạng tại Đại học Bách khoa Milan, Italy - cho rằng: "Sự cố ngừng hoạt động này xảy ra do bản cập nhật cho phần mềm CrowdStrike vừa được phát hành. Sự cố không phải là lỗi trực tiếp của Microsoft mà vì lỗi với phần mềm CrowdStrike khiến máy tính ngừng hoạt động với màn hình xanh truyền thống. Vì phần mềm này được sử dụng trong nhiều ngành khác nhau trên toàn cầu nên sự cố ngừng hoạt động mà chúng ta thấy đang lan rộng cả về mặt địa lý và giữa nhiều ngành khác nhau".
Đại diện của hãng CrowdStrike đã chính thức đưa ra thông báo xác nhận rủi ro trên đang diễn ra. Đơn vị này cũng đã tích cực, nhanh chóng áp dụng giải pháp thực hiện khôi phục phần mềm Falcon Sensor để tránh gây thêm ảnh hưởng, thiệt hại của thiết bị của người dùng đầu - cuối.
Nguyên nhân của sự cố được cho là xuất phát từ lỗi trong bản cập nhật phần mềm của CrowdStrike (Ảnh: AFP)
Đối với những ai chưa biết, "màn hình xanh chết chóc" (Blue Screen Of Death - BSOD), hay còn gọi là "màn hình xanh", là một màn hình thông báo lỗi được hiển thị trên hệ điều hành Windows sau khi gặp phải lỗi hệ thống nghiêm trọng. Có nhiều nguyên nhân có thể dẫn tới lỗi này, tuy nhiên, điều duy nhất mà người dùng cần làm khi gặp "màn hình xanh" là là chờ đợi máy tính khởi động lại.
Hàng nghìn chuyến bay bị trì hoãn và hủy
Mặc dù Microsoft và các nhà chức trách tuyên bố sự cố đã được khắc phục, tuy nhiên, hậu quả vẫn tiếp tục lan rộng.
Thống kê sơ bộ ngày 19/7 cho thấy, có tới 4.473 chuyến bay đến và đi qua không phận Mỹ bị chậm, số chuyến bay bị hủy tại Mỹ là 1.728 chuyến. Ba hãng hàng không của Mỹ có số lượng chuyến bay bị hủy nhiều nhất là Delta Airlines, American Airlines và United Airlines.
Sự cố đã khiến hàng nghìn hành khách của Delta Airlines trên khắp nước Mỹ bị mắc kẹt. Một số người phải thuê xe để di chuyển quãng đường hàng trăm dặm và số khác chờ các chuyến bay mới hoặc hủy chuyến.
Tại sân bay Orlando, nhiều người phải xếp hàng từ 4 đến 5 tiếng đồng hồ để chờ đến lượt đặt chuyến bay mới nhưng khi đến lượt thì không biết chỗ trên chuyến bay có còn hay không. Để giảm thiểu tình trạng quá tải, nhiều sân bay đã thông báo khách hàng không nên đến sân bay nếu chưa được khẳng định là đã có chỗ trên chuyến bay.
Theo BBC, nhiều sân bay ở Anh đã báo cáo việc chậm trễ và hủy chuyến bay. Các công ty đường sắt ở Anh cũng báo cáo việc trễ chuyến. Đài truyền hình Sky News không thể phát sóng trực tiếp bản tin sáng 19/7.
Còn tại Australia, các sân bay, cửa hàng và hệ thống thông tin liên lạc đều bị ảnh hưởng. Điều phối viên An ninh mạng quốc gia của Australia mô tả, đây là một "sự cố kỹ thuật quy mô lớn".
Tại New Zealand, máy tính tại các ngân hàng, tổ chức truyền thông, bệnh viện, dịch vụ vận tải, quầy thanh toán cửa hàng, sân bay… liên tục khởi động lại và gặp lỗi "màn hình xanh".
Elon Musk châm chọc Microsoft về sự cố “màn hình xanh”
Tỷ phú Elon Musk không bỏ lỡ cơ hội để “chọc ngoáy” Microsoft về sự cố “màn hình xanh” nghiêm trọng của hãng.
Trên mạng xã hội X, tỷ phú Elon Musk đã đăng ít nhất hai bài viết gợi nhắc về sự cố “màn hình xanh” của Microsoft.
Cụ thể, một trong hai bài đăng của vị tỷ phú này chia sẻ lại nội dung từ tháng 10/2021: “Macrohard >> Microsoft”. Theo trang NDTV, đây là cách chơi chữ của Elon Musk nhằm ám chỉ về sự “cứng rắn” của một bộ phận nhạy cảm trên cơ thể chuyển sang “mềm yếu” như cách mà Microsoft đang thể hiện.
Bài đăng thứ hai của Elon Musk là chia sẻ nội dung từ tài khoản DogeDesigner trên mạng xã hội X với nội dung: “Khi mọi thứ khác đều tạm dừng, ứng dụng này vẫn hoạt động”, đi kèm với đó là hình ảnh một người đàn ông với logo của X đang nằm thảnh thơi ngắm nhìn những người khác mệt mỏi, gắn kèm logo Microsoft và những chiếc “màn hình xanh”.
Elon Musk đăng bài gợi nhắc về sự cố "màn hình xanh" của Microsoft trên mạng xã hội X (Ảnh: X)
Điều này ám chỉ mạng xã hội X đang nằm thư giãn quan sát Microsoft mệt mỏi với sự cố “màn hình xanh chết chóc”. Vị tỷ phú này còn đăng kèm biểu tượng cảm xúc “cười ra nước mắt” cho bức ảnh.
Ám ảnh vẫn tiếp diễn
Sau sự cố "màn hình xanh" trên toàn cầu, các hãng hàng không vẫn đang nỗ lực để khôi phục các hoạt động trở lại bình thường.
Khoảng 16% các chuyến bay của Delta Airlines đã bị hủy trong tổng số khoảng 1.100 chuyến bay đến hoặc đi từ Mỹ. Hãng hàng không có trụ sở tại Atlanta đã hủy trên 25% số chuyến bay theo dự kiến vào ngày 21/7 và hoãn 1.700 chuyến, tương đương 46%, trong khi tiếp tục đối mặt với các vấn đề về hoạt động do tác động của sự cố đến hệ thống kiểm soát phi hành đoàn.
Sự cố "màn hình xanh" xuất hiện tại khu vực lấy hành lý của sân bay LaGuardia, thành phố New York, Mỹ (Ảnh: Smishra1)
Theo phần mềm theo dõi chuyến bay miễn phí FlightAware, Delta Airlines không đưa ra thời điểm các hoạt động trở lại bình thường và đã hủy thêm 137 chuyến trong ngày 22/7.
Số liệu từ FlightAware cho thấy, các hãng hàng không đã hủy tổng cộng hơn 2.100 chuyến bay và 21.000 lượt khác bị hoãn. Theo báo cáo của Microsoft, sự cố đã gây ảnh hưởng đến khoảng 8,5 triệu thiết bị Windows.
Sự mong manh của nền kinh tế toàn cầu
Cập nhật phần mềm là một tính năng quan trọng, giúp bảo vệ máy tính khỏi sự xâm nhập của các tin tặc. Tuy nhiên, sự cố từ bản cập nhật phần mềm của một công ty an ninh mạng lại gây ra sự hỗn loạn, làm lộ rõ một điều mà trước giờ ít người chú ý đến, đó là sự mong manh của nền kinh tế toàn cầu và sự phụ thuộc của nó vào các hệ thống máy tính.
Theo nhà nghiên cứu an ninh mạng Costin Raiu chia sẻ với CNN, đa số mọi người tin rằng, khi ngày tận thế đến, trí tuệ nhân tạo (AI) kiểm soát các nhà máy điện hạt nhân và cho ngắt điện. Tuy nhiên, trong thực tế, nó có thể xuất phát từ chỉ một đoạn mã nhỏ trong bản cập nhật bị lỗi, gây ra phản ứng dây chuyền trong các hệ thống dịch vụ đám mây liên kết với nhau.
Không ít công ty trong danh sách Fortune 500 đã sử dụng phần mềm an ninh mạng của CrowdStrike để phát hiện và ngăn chặn các mối đe dọa từ tin tặc. Cùng với đó, hệ điều hành Windows của Microsoft cũng là một trong những hệ điều hành phổ biến nhất trên thế giới.
Trả lời phỏng vấn với CNN, ông Munish Walther-Puri - cựu Giám đốc rủi ro mạng của thành phố New York - cho rằng: "Chúng ta đã tin tưởng vào một số ít những nhà cung cấp an ninh mạng nổi tiếng. Chúng ta đã tự tạo ra sự mong manh trong hệ sinh thái công nghệ của chính mình".
Ông cũng cho biết, "chiến thắng" trên thị trường có thể sự tổng hợp của những rủi ro và sau đó tất cả chúng ta - người tiêu dùng cũng như các công ty - đều phải gánh chịu những phí tổn.
Nhiều chuyên gia cho rằng, hiện vẫn còn quá sớm để thống kê thiệt hại từ lỗi "màn hình xanh" trên toàn cầu bởi các doanh nghiệp vẫn chưa hồi phục hoàn toàn sau sự cố. Tuy nhiên, theo CNN, con số thiệt hại ước tính có thể vượt mức 1 tỷ USD.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!