Không giống những công trình thủy điện khác với các tổ máy turbine phát điện thường đặt ngay sau thân đập, thủy điện Nậm Chiến có nhà máy đặt cách xa thân đập dâng gần 10 km. Do đó, để dẫn nước từ hồ chứa đến nhà máy cần tới một đường ống khổng lồ với đường kính lên tới 3,8 m.
Theo tên chuyên môn, đường ống này còn được gọi là tuyến năng lượng, bao gồm 1 đoạn hầm ngang, 2 giếng nghiêng với mỗi giếng sâu 175 m và tháp điều áp sâu 462 m. Đường hầm tuyến áp lực dẫn nước có chiều dài khoảng gần 10 km, xuyên qua dãy núi, nối từ đập chính thuộc xã Ngọc Chiến về xã Chiềng Muôn với chiều cao cột nước lên tới 638 m.
Vì tuyến năng lượng trải dài và xuyên qua hai dãy núi, các đơn vị thi công đã phải sử dụng máy khoan hầm chuyên dụng để tạo nên đường hầm dẫn nước chắc chắn. Tuy nhiên, trên chiều dài gần 10 km của tuyến năng lượng, có một đoạn hầm lộ ra ngoài khi đi xuyên qua phần thung lũng của hai dãy núi. Khe núi nơi đường hầm dẫn nước đi qua đã được xử lý bằng một ống nối kim loại đặt trên cầu bê tông cốt thép, được gọi là cầu ống hở. Do địa hình có độ dốc cao, đoạn nối tiếp này được coi là một hạng mục thi công khá phức tạp.
Trong toàn tuyến năng lượng, do độ dốc địa hình không đồng đều, đường hầm có 2 giếng nghiêng nhằm hạ thấp cao độ tuyến ống. Giếng nghiêng này có độ dốc 75 độ nhằm đảm bảo áp lực luồng nước sau khi hạ cao độ. Trong khi đó, tháp điều áp hoạt động theo nguyên lý bình thông nhau có tác dụng cân bằng áp lực trước và sau đập, đóng vai trò quan trọng trong quy trình vận hành nhà máy thủy điện.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!