Các "đại gia công nghệ", cũng giống như các công ty khác của Mỹ - hưởng lợi từ việc cắt giảm thuế doanh nghiệp được thực hiện dưới thời Tổng thống Donald Trump. Trong nhiều trường hợp, các khoản nộp thuế ít hơn đã giúp họ tăng lợi nhuận. Tuy nhiên, không phải tất cả các chính sách và hành động của Tổng thống Trump trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình đều mang tới lợi ích cho các hãng công nghệ lớn.
Tổng thống Trump đã phát động một cuộc chiến thương mại với Trung Quốc, tạo ra sự bất ổn cho các chuỗi cung ứng công nghệ. Ông hạn chế các chương trình thị thực lao động quan trọng mà các công ty công nghệ dựa vào để thuê lao động nước ngoài có tay nghề cao. Trong thời gian đương nhiệm của Tổng thống, Bộ Tư pháp đã điều tra các hãng công nghệ lớn về các vi phạm cạnh tranh độc quyền tiềm ẩn. Gần đây nhất, chính phủ Hoa Kỳ đã kiện Google về hành vi chống cạnh tranh. Tổng thống Trump cũng đã nhiều lần cáo buộc các nền tảng truyền thông xã hội về sự kiểm duyệt và thiên vị.
Nhiều hãng công nghệ hy vọng các chính sách của Joe Biden sẽ mang lại "luồng gió mới" nếu ông đắc cử Tổng thống Mỹ
Những vấn đề này không thể ngăn cản sự phát triển nhanh chóng của "đại gia công nghệ" trong bốn năm qua. Apple, Amazon, Microsoft, Google, Facebook, Tesla và Netflix hiện tại đã có tổng giá trị thị trường đạt gần 8 nghìn tỷ đô la, tăng từ 2,4 nghìn tỷ đô la so với cách đây 4 năm, khi ông Trump bắt đầu nhiệm kỳ của mình.
Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo công nghệ vẫn có thể háo hức cho sự thay đổi khác, nhất là khi Joe Biden sẽ thay Trump ngồi vào chiếc ghế Tổng thống Mỹ.
Theo một cuộc khảo sát được tiến hành bởi hãng tin CNN, nhân viên của các hãng công nghệ lớn như Amazon, Facebook, Google, Apple… đã quyên góp cho chiến dịch tranh cử của Biden nhiều gấp 3 lần so với quyên góp cho Trump, điều này cho thấy nhân viên tại các hãng công nghệ đang kỳ vọng vào ông Biden sẽ trở thành Tổng thống tiếp theo của Mỹ.
Dưới đây là một vài lý do để các hãng công nghệ Mỹ hy vọng vào việc Joe Biden sẽ đắc cử Tổng thống Mỹ, thay cho đương kim Tổng thống Donald Trump:
Vấn đề nhập cư
Nhiều hãng công nghệ Mỹ đã lên án mạnh mẽ những hạn chế của Tổng thống Trump đối với các chương trình thị thực, mà các công ty công nghệ nhiều năm qua đã dựa vào đó để thu hút lao động nước ngoài có tay nghề cao.
Joe Biden đã cam kết sẽ có lập trường cởi mở hơn đối với vấn đề nhập cư. Trong chiến dịch tranh cử của mình, Biden có kế hoạch miễn bất kỳ giới hạn nhập cư nào đối với "những sinh viên mới tốt nghiệp chương trình Tiến sĩ trong các lĩnh vực STEM (Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán học) ở Mỹ, đang sẵn sàng cống hiến một số đóng góp quan trọng nhất cho nền kinh tế thế giới".
Điều này sẽ giúp các công ty của Mỹ, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ, có thể tuyển dụng được nhiều nhân tài là người nước ngoài, du học sinh hoặc người nhập cư.
CEO của một số công ty lớn nhất ở Thung lung Silicon - bao gồm Google, Microsoft và Tesla, đều là những người nhập cư.
Vấn đề căng thẳng với Trung Quốc
Chính quyền Trump đã có cách tiếp cận cứng rắn đối với nhiều vấn đề liên quan đến Trung Quốc và công nghệ, bao gồm gã khổng lồ viễn thông Trung Quốc Huawei, sự điều hành của Mỹ đối với các công ty công nghệ Trung Quốc như Tiktok và việc xuất khẩu thiết bị sản xuất bán dẫn của Mỹ cho một số công ty Trung Quốc.
Nhà Trắng cũng thực hiện các hàng rào thuế quan đối với các hàng hóa của Mỹ sản xuất tại Trung Quốc. Trump nói rằng ông muốn các công ty công nghệ phải đưa việc sản xuất và chế tạo từ Trung Quốc về Mỹ. Các khoản thuế buộc các công ty Mỹ phải xem xét lại hoạt động sản xuất ở Trung Quốc và đe dọa tăng giá đối với người tiêu dùng, nhưng điều này cũng không dẫn đến sự hồi sinh rộng rãi của các nghề chuyên về sản xuất công nghệ ở Mỹ.
Nhiều nhà phân tích phố Wall kỳ vọng chính quyền Biden sẽ có lập trường mềm mỏng hơn đối với các vấn đề chính sách và công nghệ của Trung Quốc. Điều này có thể giúp làm giảm rủi ro cho các công ty công nghệ Mỹ khi mất khách hàng tại thị trường trọng điểm Trung Quốc. Ví dụ, Apple phụ thuộc khoảng 15% doanh thu vào Trung Quốc. Các công ty bán dẫn như Intel và AMD cũng sẽ mất đi một khách hàng quan trọng là Huawei khi công ty Trung Quốc đang bị chính quyền Trump "cấm vận"…
Tuy nhiên, nếu đắc cử Tổng thống Mỹ, Joe Biden vẫn phải có biện pháp để đập tan nỗi lo các thiết bị công nghệ và viễn thông Trung Quốc bị lợi dụng cho mục đích gián điệp và theo dõi người dùng.
"Điều 230" bảo vệ sự tự do của Internet
Năm 1996, Đạo luật về quy tắc truyền đạt thông tin, một đạo luật phức tạp về mạng Internet đã được quốc hội Mỹ thông qua. Trong đó, Điều 230 của đạo luật này cho phép luật pháp bảo vệ các công ty truyền thông xã hội, giúp các công ty này không phải chịu trách nhiệm về nội dung bài đăng của người dùng. Về cơ bản, Điều luật này cho phép các diễn đàn với nội dung mở có thể tồn tại trên Internet.
Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa có những lý do khác nhau để phản đối luật này. Đảng Dân chủ muốn yêu cầu các công ty công nghệ chịu trách nhiệm loại bỏ ngôn từ kích động thù địch và thông tin sai lệch khỏi nền tảng của họ, Đảng Cộng hòa tuyên bố rằng bằng cách xóa hoặc kiểm duyệt bất kỳ nội dung nào, các công ty công nghệ sẽ tham gia vào việc kiểm duyệt hoặc thiên vị.
Theo các nhà phân tích, nếu Joe Biden đắc cử Tổng thống, rất có thể chính quyền mới sẽ đưa ra các quy định để sửa đổi và thay thế Điều 230, thay vì bãi bỏ hoàn toàn điều này như tổng thống Trump đang muốn thực hiện.
Các hãng công nghệ sẽ hoan nghênh việc chính sửa Điều 230, hơn là loại bỏ hoàn toàn điều luật nào, do vậy, việc ông Joe Biden đắc cử Tổng thống Mỹ sẽ mang lại nhiều hy vọng hơn cho các hãng công nghệ về việc Điều 230 vẫn sẽ còn hiệu lực.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!