Theo Báo cáo xếp hạng chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) năm 2017 (Global Innovation Index 2017, gọi tắt là GII 2017), Việt Nam được xếp hạng 47 trên 127 quốc gia và nền kinh tế, tăng 12 bậc so với năm 2016. Đây là thứ hạng cao nhất mà Việt Nam đạt được từ trước tới nay và có thể nói là cột mốc đánh dấu sự tăng trưởng vượt bậc về các hoạt động đổi mới sáng tạo.
Trong nhóm các nước thu nhập trung bình thấp (gồm 27 nước), Việt Nam đã vươn lên xếp thứ nhất (từ vị trí số 3 năm 2016). Trong ASEAN, Việt Nam đứng thứ 3, sau Singapore, Malaysia và vượt trên Thái Lan.
Năm 2017, Việt Nam có sự tăng bậc khá ấn tượng về chỉ số đổi mới sáng tạo so với năm 2016 là do có sự tăng bậc ở cả hai nhóm chỉ số đầu vào và đầu ra. Nhóm chỉ số đầu vào tăng 8 bậc, trong đó hầu hết các nhóm chỉ số đều tăng bậc như thể chế vĩ mô, nguồn nhân lực và nghiên cứu, cơ sở hạ tầng và trình độ phát triển của thị trường... Nhóm chỉ số đầu ra tăng 4 bậc, trong đó chỉ số đầu ra về tri thức và công nghệ đều tăng bậc.
Tiến bộ của Việt Nam ở hầu hết các trụ cột của GII 2017 được nhìn nhận là kết quả của cả quá trình phát triển trong nhiều năm qua. Cả hệ thống chính trị đã vào cuộc quyết liệt nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, năng lực đổi mới sáng tạo.
IP Day 2018 tại Việt Nam với chủ đề "Tiếp sức cho những thay đổi: Phụ nữ với hoạt động đổi mới và sáng tạo".
Từ năm 2014 và liên tiếp trong các năm 2015, 2016, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 19/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, với mục tiêu cụ thể gắn với các chỉ số đo đếm được theo những phương pháp chuẩn mực được thế giới công nhận. Nghị quyết 19-2017/NQ-CP ngày 06/2/2017 về tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2017, định hướng đến năm 2020 đã đặt mục tiêu cụ thể là đến năm 2020, các chỉ số GII đạt trung bình ASEAN 5. Như vậy, với xếp hạng GII 2017, mục tiêu này đã đạt được.
Về hoạt động sở hữu trí tuệ của Việt Nam, trong bối cảnh nền kinh tế đang chuyển dịch mạnh mẽ về cơ cấu và mô hình tăng trưởng, coi năng suất, chất lượng, hiệu quả sức cạnh tranh là ưu tiên hàng đầu, chú trọng phát triển theo chiều sâu và phát triển kinh tế tri thức, cũng đã thực hiện được một số mục tiêu chủ yếu và thu được những thành tựu quan trọng: đã xây dựng một nền tảng pháp luật về sở hữu trí tuệ đủ hiệu lực và phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế; đã thiết lập một mạng lưới các cơ quan - tổ chức có chức năng thực thi pháp luật sở hữu trí tuệ; sở hữu trí tuệ đã và đang thu hút được sự quan tâm ngày càng cao của xã hội.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!