Nước bốc hơi, ngưng tụ dưới sức nóng của năng lượng mặt trơi.
Nhờ có thiết bị tạo nước ngọt bằng nguồn năng lượng mặt trời, các loại nước không uống được như nước biển, nước lợ đã có thể trở thành nước ngọt và đảm bảo chất lượng.
Đây là một nghiên cứu mới của các nhà khoa học thuộc Viện Thủy điện và năng lượng tái tạo Việt Nam. Thiết bị đã được lắp đặt thử nghiệm thành công tại một vài nơi vùng biển, đáp ứng nhu cầu nước sinh hoạt ngày càng tăng ở những địa phương này. Ít ai biết rằng, nguyên lý hoạt động của thiết bị, chỉ dựa trên 1 tính chất hóa học rất đơn giản.
Th.s Đỗ Anh Tuấn - Viện thủy điện và năng lượng tái tạo cho biết: "Sau khi cấp nước vào bể chứa, nước được năng lượng mặt trời đun nóng, bốc hơi và ngưng tụ trên bề mặt trong của tấm kính và chảy về một bể chứa nước sạch".
Anh Tuấn và nhóm cộng sự đã dành 2 năm để nghiên cứu và cho ra đời thiết bị này, với nhiều đặc tính mới so với công nghệ đã xuất hiện trước đó. Đáng chú ý, thiết bị có các gờ xung quanh trên mặt tấm kính hứng nắng, nên có thể hứng được lượng nước mưa trên bề mặt kính khi trời mưa.
Đặc điểm này rất thích hợp cho các địa phương vùng biển, để kết hợp vừa lọc nước ngọt, vừa tích nước mưa cho sinh hoạt. Sau khi thử nghiệm ở Đồ Sơn, Hải Phòng và Khánh Hòa, nhóm nghiên cứu nhận ra rằng: yếu tố người dân quan tâm nhất là chất lượng nước thu được. Các thông tin nhận xét cho thấy nước sau chưng cất thì sạch, trong, uống được, không mặn hay lợ.
Th.s Đỗ Anh Tuấn - Viện thủy điện và năng lượng tái tạo: "Chúng tôi đã lấy nước ngọt thu được đem đi phân tích mẫu tại viện y học dịch tễ trung ương và đối chiếu với tiêu chuẩn y tế về nước sinh hoạt thì thấy nước của chúng tôi đạt tiêu chuẩn đó".
Tùy theo nhu cầu của mỗi gia đình mà có thể lắp đặt 1 hay nhiều mô đun để tạo ra nước sinh hoạt cho gia đình. Với mỗi mét vuông thiết bị này, có thể tạo ra trung bình từ 4 đến 8 lít nước ngọt mỗi ngày, tất nhiên là còn phụ thuộc mùa hay độ bức xạ của mặt trời, nhưng cũng đủ để đáp ứng một phần không nhỏ nước sinh hoạt cho mỗi gia đình.
Giờ đây, trên mọi địa hình, từ mặt đất, mái nhà, hay sân thượng chỉ cần những nơi hứng được ánh sáng là đều có thể áp dụng công nghệ này. Sau khi thử nghiệm thành công tại một vài địa phương vùng biển, anh Tuấn mong muốn, sẽ mang công nghệ đến với những nơi hải đảo xa xôi như Trường Sa, Hoàng Sa, đáp ứng nhu cầu nước ngọt của quân và dân trên đảo.
Phần thưởng mới đây nhất của Bộ Khoa học công nghệ đã tiếp thêm động lực để Th.s Đỗ Anh Tuấn và cộng sự hiện thực hóa ý định của mình.