Trong bối cảnh bộ máy biên chế ngày càng phình to đang tạo áp lực lớn cho ngân sách, sáp nhập đơn vị sự nghiệp công lập là cần thiết. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện vẫn còn đó những tâm tư, băn khoăn, thậm chí có nơi gặp phải sự phản đối quyết liệt về chủ trương này. Thực tiễn cho thấy một chủ trương đúng là chưa đủ. Để sáp nhập thành công, đòi hỏi các phương án sáp nhập được tính toán hết sức kỹ lưỡng trên cơ sở của sự thống nhất cao về nhận thức và quyết tâm hành động của những người trong cuộc.
Tại tỉnh Bắc Giang, trong hơn 1 năm qua, 6 đầu mối gồm y tế dự phòng, HIV, chăm sóc sức khỏe sinh sản, truyền thông, mắt và sốt rét đã được sáp nhập thành Trung tâm Kiểm soát bệnh tật. Việc sáp nhập này đã giúp ngành y tế Bắc Giang giảm đáng kể được bộ máy và thống nhất đầu mối trong lãnh đạo, chỉ đạo hoàn thành các nhiệm vụ, chức trách được giao. Hơn 40 biên chế cũng đã được tinh giảm sau khi các cơ quan này được sắp xếp lại. Bên cạnh đó, việc sáp nhập cũng giúp tiết kiệm được nguồn lực, sử dụng tối đa hiệu quả các trang thiết bị trong công tác phòng và chữa bệnh.
6 đầu mối thuộc lĩnh vực y tế được sáp nhập thành Trung tâm Kiểm soát bệnh tật.
Để việc sáp nhập có hiệu quả và việc tinh giản đúng nghĩa, công tác giám sát tại các địa phương cần được đặc biệt quan tâm và cần được xây dựng trên phương châm phát huy trình độ chuyên môn người lao động, coi việc tinh gọn bộ máy là vấn đề ưu tiên cao nhất.
Tại Thanh Hóa, trong buổi đối thoại giữa Bí thư Huyện ủy Quảng Xương với hàng trăm người dân xã Quảng Phúc về việc sáp nhập 2 trường THCS Quảng Phúc và Quảng Vọng, hầu hết người dân không đồng tình với quyết định sáp nhập này.
Bí thư Huyện ủy Quảng Xương cho rằng việc sáp nhập 2 trường này là do tỉnh đã phê duyệt đề án. Bên cạnh đó, hiện xã Quảng Phúc có 4 bậc học cấp 2 nhưng chỉ có 4 lớp với khoảng 145 học sinh. Các giáo viên được phân về trường nhưng không đủ tiết dạy. Nếu học trong môi trường như vậy, học sinh sẽ hạn chế trong cạnh tranh, nâng cao năng lực học tập cũng như kỹ năng mềm trong cuộc sống.
Trước sự phản ứng của người dân, chủ trương sáp nhập 2 trường học này đã tạm thời được gác lại. Tuy nhiên, việc sáp nhập này không chỉ giúp nâng cao chất lượng giáo dục mà còn góp phần thu gọn, thống nhất đầu mối trong dạy học. Từ đó, tiến tới tinh giản biên chế và nâng cao chất lượng bộ máy. Vì thế, cấp ủy địa phương đang tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền nhằm sớm nhận được sự đồng thuận của địa phương về chủ trương này.
Buổi đối thoại giữa Bí thư Huyện ủy Quảng Xương với người dân xã Quảng Phúc về việc sáp nhập 2 trường THCS.
Có thể nói, việc sáp nhập các đơn vị sự nghiệp công lập là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước nhằm tinh gọn bộ máy, tránh chồng chéo và thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo, nâng cao hiệu quả điều hành. Đây cũng là bước chuẩn bị quan trọng tiến tới tinh giản biên chế trong thời gian tới. Chủ trương này là hết sức đúng đắn, cần thiết trong bối cảnh bộ máy ngày càng phình to như hiện nay.
Sáp nhập là cần thiết nhưng nhiều ý kiến cho rằng việc sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập cần được tính toán kỹ lưỡng trên cơ sở ghi nhận và giải quyết kịp thời các vướng mắc, nhất là sự lắng nghe và thấu hiểu. Bởi việc sáp nhập này không nên tính toán đơn giản trên cơ sở hợp nhất một cách cơ học mà cần tính đến sự hợp lý về chức năng, hiệu quả trong quá trình hoạt động sau này.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!