Bình đẳng hóa thị trường phát hành, phổ biến phim tại Việt Nam

Quỳnh Nga-Thứ ba, ngày 03/11/2020 06:00 GMT+7

VTV.vn - Thay đổi Luật Điện ảnh hiện hành, để đảm bảo công bằng trong cạnh tranh giữa phim nội - ngoại, doanh nghiệp Việt Nam với nước ngoài, vẫn luôn là vấn đề được quan tâm.

Trong Luật Điện ảnh hiện hành, Điều 30 có quy định: "Chỉ được xuất, nhập khẩu phim khi có rạp chiếu phim để tham gia phổ biến phim". Tức là doanh nghiệp phải có cụm rạp mới được phép nhập khẩu phim để tham gia phổ biến, chiếu phim. Quy định này được cho là phù hợp vào hơn 10 năm trước - thời điểm thiết lập văn hóa xem phim, khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam để kích thích điện ảnh phát triển. Thế nhưng đến nay, quy định này dường như không còn phù hợp.

Bình đẳng hóa thị trường phát hành, phổ biến phim tại Việt Nam - Ảnh 1.

Số lượng rạp tại Việt Nam tới năm 2018 vượt chỉ tiêu trong Chiến lược điện ảnh đến năm 2020, tầm nhìn năm 2030. Thế nhưng 65% thuộc sở hữu doanh nghiệp nước ngoài.

Theo thống kê từ Cục Điện ảnh, đến năm 2018, cả nước có 180 rạp/cụm rạp với 930 phòng chiếu, vượt chỉ tiêu Chiến lược Điện ảnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Đáng chú ý, 65% số rạp tại Việt Nam là rạp của doanh nghiệp nước ngoài. Nói về con số này, bà Lê Minh Tâm - Phó Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam, Chủ tịch kiêm TGĐ Công ty Kỷ nguyên sáng cho biết: "Với vốn đầu tư lớn, doanh nghiệp nước ngoài nhập phim, chiếu phim qua số rạp chiếm thị phần lớn, tạo thế mất cân bằng trong cạnh tranh giữa doanh nghiệp Việt Nam và nước ngoài. Các phim Việt bị cạnh tranh, và chi phối bởi những nhà nhập phim nước ngoài - sở hữu số lượng rạp lớn trên thị trường".

Bình đẳng hóa thị trường phát hành, phổ biến phim tại Việt Nam - Ảnh 2.

"Song Lang" - bộ phim được đánh giá cao về chất lượng nhưng lại không có nhiều suất chiếu tại các rạp vào thời điểm ra mắt.

Cũng theo bà Tâm, việc loại bỏ quy định trên tại Điều 30 trong Luật Điện ảnh hiện hành sẽ giúp phim Việt được cạnh tranh công bằng hơn, tiếp cận tới nhiều khán giả hơn. Từ đó, kích thích các thành phần, doanh nghiệp tham gia thị trường, song song với mục tiêu kích thích phát triển phim nội địa. 

Thế nhưng, bà Ngô Thị Bích Hạnh - Tổng Giám đốc Công ty TNHH BHD lại cho rằng, việc loại bỏ quy định này là chưa đủ để bình đẳng hóa thị trường: "Doanh thu màn ảnh Việt năm 2019 là 4100 tỷ đồng. Con số này cho thấy thị trường điện ảnh nước ta không còn nhỏ, các doanh nghiệp trong ngành đã có sự phát triển nhất định. Nếu thay đổi thì những doanh nghiệp mới tham gia mà không có cụm rạp, cũng không thể cạnh tranh được".

Quá trình chuyển đổi từ điện ảnh nhà nước sang điện ảnh tư nhân đòi hỏi khung luật Điện ảnh cần thay đổi, thích ứng, để quản lý ngành Điện ảnh như một ngành công nghiệp. Đó sẽ là nhiều quy định cần sửa đổi, bổ sung, để các doanh nghiệp nội địa có khả năng cạnh tranh sòng phẳng hơn với doanh nghiệp nước ngoài. Bà Hạnh cho biết, nhiều quy định có thể học tập từ Luật điện ảnh của Pháp, hay Hàn Quốc: "Họ áp thuế cho các phim nhập khẩu, lấy thuế để hỗ trợ điện ảnh nhà nước. Hay hiện tại, tỷ lệ ăn chia phim nước ngoài ở Việt Nam luôn nhiều hơn phim Việt. Nhưng cũng chưa có luật nào nói tỷ lệ của 2 phim bằng nhau cả. Hay ở Pháp, có nguồn quỹ quảng bá phim trong nước. Nó là cả một bộ khung, rất nhiều yếu tố, khi mà thị trường đã phát triển rất lớn rồi".

Bình đẳng hóa thị trường phát hành, phổ biến phim tại Việt Nam - Ảnh 3.

Điều 30 - Luật Điện ảnh (2006) quy định: "Doanh nghiệp phát hành phim, doanh nghiệp khác có đăng ký kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu phim phải có rạp chiếu phim để tham gia phổ biến phim". (Nguồn: Luật Điện ảnh 2006)

Để bình đẳng hóa thị trường phát hành, phổ biến phim, nhiều đề xuất thay đổi trong Luật điện ảnh (sửa đổi) được đưa ra. Bên cạnh đó, bản thân các nhà làm phim cần chủ động, không ngừng nâng cao chất lượng phim Việt, tạo sự phát triển bền vững khi cạnh tranh với phim ngoại.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và  VTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước