Diện mạo điện ảnh Việt (Kỳ 1): Giai đoạn 'máu lửa'

Theo Ngọc Diệp/Thể thao & Văn hóa-Thứ bảy, ngày 28/11/2015 17:16 GMT+7

VTV.vn - Diện mạo điện ảnh Việt trong hai năm 2014, 2015 đang “hồng hào” hơn, chứ không “xanh xao” như nhiều năm trước.

Tuần phim Chào mừng Liên hoan phim Việt Nam XIX vừa diễn ra tại Hà Nội và Đà Nẵng ghi nhận sự kiện chưa từng có: khán giả xếp hàng dài để vào xem phim Việt. Họ đến ngoài lý do vé miễn phí còn là vì quan tâm thực sự đến những tác phẩm điện ảnh “nội”.

Trong Tuần phim, không chỉ phim thương mại có tiếng tăm như Hương Ga, Chàng trai năm ấy, Scandal: Hào quang trở lại đông khách mà phim nhà nước đặt hàng như Cuộc đời của Yến, Mỹ nhân cũng đông nghẹt. Đó là điều khá bất ngờ, cho thấy khán giả đã không còn thờ với phim Việt.

“Nhiệt” với phim Việt đang tăng

Các chuyên gia nước ngoài từng dự đoán thị trường điện ảnh Việt trong năm 2015 sẽ sớm cán mốc doanh thu 100 triệu USD/năm. Con số này là có cơ sở khi phim bom tấn vẫn hốt bạc ở Việt Nam. Còn phim Việt dù chỉ chiếm thị phần rất nhỏ nhưng đang tăng nhanh về số lượng và số phim đạt doanh thu triệu USD ngày một nhiều hơn.

Nếu 2 - 3 năm trước, mỗi năm cả nước chỉ sản xuất được 15 - 17 phim, thì năm 2014, Việt Nam sản xuất được 30 phim. Trong đó Cô dâu đại chiến, Quả tim máu, Hương Ga có doanh thu rất cao, khoảng 40 - 50 tỉ đồng. Riêng Để Mai tính 2 thu 100 tỉ đồng - một con số cực kỳ ấn tượng với điện ảnh nội địa.


Phim tài liệu “Lửa Thiện Nhân” ra rạp và bán được vé

Phim tài liệu “Lửa Thiện Nhân” ra rạp và bán được vé

Năm nay, số phim sản xuất đã lên tới 40 phim. Đầu năm có Quý tử bất đắc dĩ, Ma Dai thu khoảng 30 tỉ đồng. Nhưng cuối năm dồn dập phim chất lượng nội dung tốt, khả năng doanh thu cao, trong đó Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh đã trở thành hiện tượng phòng vé.

Phim độc lập, vốn nằm ngoài dòng chính cũng đang vươn lên tìm chỗ đứng. Năm nay, Cha, con và... của Phan Đăng Di được chọn vào tranh giải tại LHP Berlin - một thành tích rất đáng khích lệ. Phim tài liệu, vốn được coi là “kinh nhi viễn chi” rạp chiếu đã đầu tiên ra rạp. Như Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng, Lửa Thiện Nhân đã ra rạp và bán được vé.

Chính Ban tổ chức Liên hoan phim Việt Nam XIX cũng chia sẻ niềm vui rằng họ không còn phải ngồi “bới” phim thảm họa để tìm “vàng”. Lần đầu tiên sau nhiều năm, Liên hoan phim có nhiều tác phẩm để chọn lựa.

Thị trường điện ảnh đang rất “nóng”

Kinh doanh điện ảnh được xem là một sự mạo hiểm nhưng đang mở ra cơ hội rất lớn. Không phải ngẫu nhiên mà hàng loạt ca sĩ, diễn viên, người mẫu chuyển sang lĩnh vực đầu tư điện ảnh như: ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng, Thủy Tiên, diễn viên Trần Bảo Sơn, Lý Hải, người mẫu Ngọc Trinh…

Những Việt kiều đã từng làm việc hoặc học trong môi trường điện ảnh nước ngoài đã tìm thấy đất dụng võ ở Việt Nam. Suốt 10 năm qua, họ đã thực sự góp phần tạo nên diện mạo mới cho điện ảnh Việt Nam. Ở Việt Nam hiện nay không có nhiều đạo diễn có khả năng làm phim “ăn khách” và những người có khả năng đó hầu hết là Việt kiều.

Thị trường Việt Nam vẫn tiếp tục hấp dẫn nhân sự từ nước ngoài trở về. Trong năm 2016, có ít nhất 3 phim như Fan cuồng, Bạn ma, Nữ đại gia sẽ mời đạo diễn, chuyên gia quốc tịch Mỹ về Việt Nam làm việc.

Năm 2014, Cục Điện ảnh thực hiện chính sách thí điểm tài trợ, đặt hàng các hãng phim tư nhân. Kết quả của cuộc bắt tay đầu tiên là Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh đã tạo nên hiện tượng phòng vé cuối năm.

Theo bà Ngô Phương Lan, Cục trưởng Cục Điện ảnh (Bộ VH,TT&DL), đây là bước “tập dượt” trước khi chính thức triển khai “đấu thầu” vào năm 2016. Như vậy, chúng ta có thể tiếp tục hy vọng nhiều “quả ngọt” từ mô hình này trong tương lai... Và chắc chắn, điện ảnh Việt còn nhiều điều để nói...

(Còn nữa)

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước