Chương trình Tủ sách Di sản Hồ Chí Minh lần đầu ra mắt vào năm 1999 với tên gọi "30 năm thực hiện Di chúc Bác Hồ". Chương trình do Tiến sĩ Quách Thu Nguyệt, khi đó là Phó Giám đốc, Phó Tổng biên tập NXB Trẻ đề xuất nhằm hưởng ứng cuộc vận động "30 năm thực hiện Di chúc Bác Hồ" của Trung ương.
"Năm 1999, khi tiếp cận với Di chúc của Bác nhân kỷ niệm 30 năm Bác Hồ viết di chúc, tôi thấy rằng di sản Bác để lại quá lớn. Trong nội dung Di chúc Bác gửi gắm lại không chỉ cho cử tri nhân dân cả nước mà rất nhiều ngành nghề, đặc biệt là đối với giới trẻ. Từ đó tôi nảy ra ý định làm tủ sách này", bà Quách Thu Nguyệt chia sẻ.
Ngày 7/11/2006, nhân dịp Bộ Chính trị ra Chỉ thị số 06 – CT/TW về cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", NXB Trẻ đổi tên tủ sách thành Tủ sách Di sản Hồ Chí Minh.
Ban đầu, tủ sách gồm các tác phẩm của Chủ tịch Hồ Chí Minh như: Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh; Thực hành tiết kiệm và chống tham ô lãng phí, chống bệnh quan liêu; Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch; Bản án chế độ thực dân Pháp; … Sau đó là những tác phẩm được viết "độc quyền" cho NXB Trẻ như: Bác Hồ viết di chúc (Vũ Kỳ), Nguyễn Ái Quốc & vụ án Hồng Kông năm 1931 (Nguyễn Văn Khoan), Hồ Chí Minh với ý chí tự lực, tự cường và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc (Vũ Trung Kiên)... Trong đó, cuốn sách Di chúc của Bác Hồ - Một giáo trình tiếng Việt độc đáo của nhà báo Dương Thành Truyền được in đến lần thứ 6.
Một số tác phẩm trong tủ sách
Theo PGS.TS Hà Minh Hồng, những tác phẩm trong tủ sách là công cụ để mọi người làm theo tấm gương của Bác, để những di sản của Bác gần gũi hơn với người dân. "Chúng ta cần thêm nhiều bộ sách và loại hình sách để tiếp cận gần hơn với giới trẻ, để mọi người không chỉ đọc được sách mà có thể nghe sách mỗi ngày", PGS.TS Hà Minh Hồng cho biết.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!