Giảm cân là một việc đòi hỏi nhiều công sức và sự kiên trì. Chỉ tập thể dục hoặc ăn ít đi chưa hẳn sẽ mang lại kết quả mà bạn mong muốn. Bên cạnh đó, còn có nhiều yếu tố ngoài lề khác khiến nỗ lực giảm cân của bạn khó lòng đạt được hiệu quả. Hãy khám phá dưới đây 7 nguyên nhân cụ thể, giúp bạn hiểu được tại sao mình mãi chưa đạt được chỉ tiêu cân nặng đặt ra.
1. Tập thể dục nhiều cũng có thể gây tăng cân
Đúng vậy, việc tập luyện cũng có khả năng làm tăng trọng lượng cơ thể, ít nhất là trong một khoảng thời gian ngắn. Thật ra, đây là một dấu hiệu cho thấy bạn đang vận động rất tích cực. Việc tập luyện giúp cơ bắp nhanh phát triển và khỏe mạnh hơn. Tuy vậy, trong thời gian này cũng có thể xuất hiện tình trạng viêm và tích tụ chất lỏng, khiến trọng lượng thay đổi. Bạn có thể sẽ hiểu nhầm rằng mình lại đang có thêm mỡ béo dư thừa, trong khi thực chất đây chỉ là sự tăng cân tạm thời do sản sinh cơ bắp.
2. Mắc kẹt trong chế độ ăn kiểu yo-yo
Một số người nhận thấy rằng mình tăng cân trở lại ngoài ý muốn sau một thời gian hết mực kiêng cữ. Đây được gọi là chế độ ăn yo-yo. Quá khắt khe với bản thân trong việc ăn uống thực chất lại là tác nhân kích thích tăng cân. Lý do là bởi, cơ thể sẽ nảy sinh những phản ứng sinh lý để chống lại trạng thái đói và buộc bạn ăn nhiều hơn, nhằm hồi phục cảm giác no bụng.
Nếu chỉ mù quáng chạy theo chế độ ăn kiêng khem không khoa học, khả năng bạn duy trì được trọng lượng lý tưởng là rất thấp. Thay vào đó, hãy điều chỉnh phong cách sống và thói quen sinh hoạt. Cụ thể hơn, hãy hạn chế ăn thực phẩm đã chế biến và nhiều đường, tích cực vận động và chọn lựa thực phẩm giàu dinh dưỡng. Như vậy, bạn có thể tự tin giảm cân bền vững mà không gây hại đến sức khỏe.
3. Không nạp đủ chất xơ và đạm
Thiếu chất xơ và đạm có thể là thủ phạm gây béo phì. Chất xơ giúp kiểm soát cơn thèm ăn, đồng thời duy trì cảm giác no bụng. Bạn có thể tăng cường các thực phẩm như đậu và rau xanh để bổ sung nhiều dưỡng chất này. 14 gram chất xơ mỗi ngày có thể giảm đến 10% lượng calo cơ thể nạp vào.
Chất đạm cũng rất quan trọng. Đạm giúp bạn duy trì cảm giác no lâu dù không cần tiêu thụ quá nhiều thực phẩm. Bên cạnh đó, đạm còn củng cố khối lượng cơ bắp và tăng cường trao đổi chất. Vậy nên, hãy luôn đảm bảo rằng bạn cung cấp nguồn đạm đầy đủ cho cơ thể để có được cân nặng như ý muốn.
4. Không quản lý đời sống xã hội
Đời sống xã hội đóng vai trò thiết yếu trong việc cân bằng giữa công việc và thời gian cá nhân. Tuy nhiên, một số người có xu hướng sa đà vào những buổi tụ tập bên bạn bè. Các buổi gặp mặt như vậy thường kéo theo nhu cầu ăn uống “thả cửa”. Những bữa tiệc tùng, liên hoan,... sẽ là một trở ngại lớn trên con đường giảm cân hiệu quả của bạn.
5. Không lên danh sách thực phẩm cần mua
Chuẩn bị danh sách thực phẩm cần mua là việc đơn giản nhưng rất quan trọng. Danh sách này không chỉ giúp bạn tiết kiệm thời gian và tiền bạc mà còn hạn chế những khoản mua sắm bộc phát. Với chi tiết cụ thể những thứ thực sự cần thiết trong tay, bạn sẽ dễ dàng kiềm chế bản thân hơn trước thức ăn hấp dẫn nhưng không lành mạnh và cũng không thiết yếu.
6. Nạp quá nhiều calo từ đồ uống
Nước ngọt, nước ép hoa quả và một số loại trà vốn mang nhiều calo hơn bạn nghĩ. Một số người chủ quan và bỏ qua khâu tính toán calo đối với các loại thức uống hàng ngày. Đây là một thiếu sót tai hại, đôi khi còn phản tác dụng và khiến cân nặng “quay đầu” tăng cao.
7. Quá mệt mỏi và kiệt sức
Thiếu ngủ và kiệt sức liên quan mật thiết đến tình trạng tăng cân chóng mặt. Điều này là do thay đổi nội tiết tố đi kèm với việc mệt mỏi khiến bạn mất động lực để tập luyện. Ngoài ra, không ngủ đủ giấc cũng có thể tăng mỡ bụng. Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng, ngủ tròn giấc từ 7 tiếng trở lên mỗi đêm giúp bạn giảm cân hiệu quả hơn đến 33%.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!