Trong đó đề ra quy hoạch về sản phẩm du lịch; thị trường du lịch; hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật ngành du lịch (hệ thống cơ sở lưu trú, phương tiện vận chuyển khách du lịch, cơ sở vui chơi giải trí, ăn uống...); nguồn nhân lực du lịch và hệ thống cơ sở đào tạo du lịch; tổ chức, quản lý hoạt động du lịch và liên kết phát triển du lịch; tổ chức không gian lãnh thổ du lịch (vùng du lịch, khu vực trọng điểm phát triển du lịch, tuyến du lịch quốc gia, Khu du lịch quốc gia và các địa điểm tiềm năng phát triển thành Khu du lịch quốc gia).
Mục tiêu đặt ra đến năm 2025, Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn, có năng lực phát triển du lịch cao trên thế giới. Đến năm 2030, du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, phát triển theo hướng tăng trưởng xanh; trở thành điểm đến có năng lực phát triển hàng đầu thế giới.
Để đạt được mục tiêu đó, Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đề ra các giải pháp trọng tâm như sau:
Về cơ chế, chính sách,
Tập trung hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến du lịch, nhất là trong các lĩnh vực quy hoạch du lịch, điều tra tài nguyên du lịch, Khu du lịch quốc gia, hỗ trợ phát triển du lịch... và các lĩnh vực liên quan đến du lịch; các quy định cụ thể tạo hành lang pháp lý để quản lý các hoạt động du lịch phù hợp với bối cảnh và các xu hướng tăng trưởng xanh, chuyển đổi số, phát triển kinh tế ban đêm, công nghiệp văn hóa.
Hoàn thiện cơ chế, chính sách xã hội hóa đầu tư tạo môi trường thông thoáng, ổn định để thu hút đầu tư phát triển du lịch, nhất là về du lịch cộng đồng ở vùng sâu, vùng xa, hải đảo; ưu tiên nguồn lực đầu tư hạ tầng kỹ thuật và hệ thống cơ sở vật chất đồng bộ, chất lượng tại các trung tâm du lịch, Khu du lịch quốc gia và các khu vực có tiềm năng để hình thành các điểm đến đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế; khuyến khích xã hội hóa trong lĩnh vực bảo quản, tu bổ, phụchồi di tích, thắng cảnh, bảo tồn và phục dựng các lễ hội, sinh hoạt văn hóa dân gian, các làng nghề phục vụ phát triển du lịch.
Đề xuất xây dựng và áp dụng thí điểm các chính sách, cơ chế cụ thể thúc đẩy phát triển kinh tế ban đêm tại các đô thị, trung tâm du lịch. Cải tiến các thủ tục xuất, nhập cảnh tạo điều kiện thuận lợi cho khách du lịch; mở rộng phạm vi miễn thị thực nhập cảnh hướng đến các thị trường mục tiêu, có tầm quan trọng.
Về tổ chức quản lý hoạt động du lịch
Công bố Quy hoạch theo quy định của pháp luật; kết hợp tuyên truyền nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của phát triển du lịch tạo sự đồng thuận, nhất trí cao trong các tổ chức chính trị, các doanh nghiệp, nhà đầu tư và nhân dân khi triển khai thực hiện.
Phối hợp đồng bộ, chặt chẽ trong quá trình thực hiện quy hoạch giữa trung ương và địa phương, bảo đảm các quy hoạch địa phương phải tuân thủ các định hướng phát triển của Quy hoạch này.
Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, quản lý thực hiện quy hoạch; phát huy vai trò của người dân, doanh nghiệp, các tổ chức chính trị - xã hội trong giám sát thực hiện Quy hoạch.
Ưu tiên nguồn lực tổ chức lập quy hoạch đối với các địa điểm tiềm năng phát triển thành Khu du lịch quốc gia; ưu tiên bố trí quỹ đất có vị trí thuận tiện và diện tích phù hợp để xây dựng công trình dịch vụ phục vụ du lịch trong quá trình lập và triển khai thực hiện quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng đô thị và nông thôn.
Tập trung nâng cao chất lượng các quy hoạch, đề án phát triển du lịch thông qua việc ban hành các quy định, tiêu chuẩn chuyên ngành liên quan đến hoạt động lập quy hoạch các Khu du lịch quốc gia.
Kiện toàn, nâng cao hiệu quả tổ chức quản lý của các cơ quan quản lý du lịch từ Trung ương đến địa phương; tăng cường hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát; triển khai hiệu quả hoạt động quản lý các Khu du lịch quốc gia theo quy định; bổ sung chức năng quản lý du lịch cho bộ máy quản lý các di tích.
Về liên kết, hợp tác trong phát triển du lịch
Đa dạng hóa hình thức liên kết, hợp tác; đẩy mạnh thực hiện hiệu quả cơ chế điều phối, quy chế hoạt động, kế hoạch hành động vùng, liên vùng trong hoạt động du lịch.
Đa dạng các hình thức hợp tác; mở rộng và đa phương hoá hợp tác quốc tế với các quốc gia, vùng lãnh thổ; chủ động, tích cực triển khai thực hiện có hiệu quả các hiệp định hợp tác song phương và đa phương đã ký kết; chủ động xây dựng và đề xuất các dự án phát triển từ các nguồn vốn quốc tế; phối hợp với các địa phương, ban ngành đề xuất danh mục các dự án tài trợ cụ thể.
Chú trọng xây dựng và thực hiện cơ chế phối hợp giữa các ngành trong việc phát triển du lịch gắn với công nghiệp văn hóa, kinh tế ban đêm, nhất là tại các trung tâm du lịch.
Về đầu tư thu hút nguồn lực
Tăng cường xúc tiến đầu tư, ưu tiên lựa chọn các dự án du lịch có chất lượng cao, thân thiện với môi trường và các địa điểm tiềm năng phát triển thành Khu du lịch quốc gia. Đa dạng phương thức xúc tiến đầu tư, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao hiệu quả.
Tăng cường hiệu quả huy động vốn đầu tư thông qua hỗ trợ đầu tư từ ngân sách nhà nước cho phát triển du lịch; huy động tối đa các nguồn vốn ngoài ngân sách đáp ứng nhu cầu đầu tư phát triển du lịch; phát huy nguồn lực tài chính trong nhân dân và các tổ chức trong nước; thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Về phát triển thị trường, sản phẩm
Ưu tiên hỗ trợ từ ngân sách cho hoạt động nghiên cứu thị trường, tập trung vào thị trường du lịch trọng điểm và các thị trường mới. Duy trì hoạt động xúc tiến thị trường đối với các thị trường du lịch quốc tế truyền thống.
Nâng cao hiệu quả hoạt động nghiên cứu, xúc tiến thị trường theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại; xây dựng đồng bộ và hoàn chỉnh hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về thị trường du lịch.
Đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ du lịch mang đặc trưng của địa phương, vùng. Phát triển các sản phẩm vui chơi giải trí gắn với kinh tế ban đêm và công nghiệp văn hóa, chú trọng các trung tâm du lịch.
Về quảng bá, xúc tiến du lịch
Nâng cao năng lực, bộ máy và cơ chế cho hoạt động xúc tiến quảng bá; tăng cường vốn ngân sách cho xúc tiến quảng bá du lịch, xây dựng hình ảnh và thương hiệu du lịch quốc gia, vùng; nghiên cứu thành lập các trung tâm xúc tiến quảng bá du lịch tại các thị trường quốc tế trọng điểm.
Đẩy mạnh chuyên nghiệp hóa hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch, tập trung xúc tiến quảng bá theo trọng điểm, phù hợp với định hướng phát triển sản phẩm, thương hiệu du lịch.
Xây dựng cơ chế hợp tác trong và ngoài ngành, tăng cường xã hội hóa xúc tiến quảng bá du lịch; Huy động sự hợp tác của các cơ quan đại diện ngoại giao tại nước ngoài; tận dụng tối đa sức mạnh truyền thông, nhất là truyền thông qua các mạng xã hội để quảng bá du lịch Việt Nam.
Về phát triển nguồn nhân lực du lịch
Xây dựng tiêu chuẩn và thực hiện chuẩn hóa nhân lực du lịch; công bố và thực hiện chuẩn trường để nâng cao năng lực đào tạo, bồi dưỡng du lịch từng bước hội nhập tiêu chuẩn nghề trong khu vực.
Tăng cường hợp tác, liên kết với các cơ sở đào tạo uy tín trong nước và quốc tế, giữa cơ sở đào tạo với doanh nghiệp du lịch để phát triển nguồn nhân lực du lịch, đáp ứng nhu cầu đào tạo của các doanh nghiệp.
Đa dạng các hình thức đào tạo: Đào tạo chính quy và đào tạo nghề; đào tạo bổ sung, đào tạo ngắn hạn; chú trọng đào tạo bổ sung kiến thức, kỹ năng mới và tăng cường đào tạo tại doanh nghiệp, cho cộng đồng tham gia kinh doanh du lịch.
Nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị, chương trình đào tạo, đội ngũ giảng viên, giáo trình và tài liệu giảng dạy cho các cơ sở đào tạo du lịch.
Về ứng dụng khoa học, công nghệ
Phát triển hạ tầng công nghệ đồng bộ, hiện đại đáp ứng yêu cầu của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về du lịch, bảo đảm kết nối và tích hợp đồng bộ với hệ cơ sở dữ liệu quốc gia; ứng dụng Hệ thống thông tin địa lý (GIS) trong quản lý, bảo vệ và khai thác tài nguyên du lịch.
b) Chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, khai thác, thu thập và xử lý thông tin, nâng cao hiệu quả và chất lượng công tác quản lý. Hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu và thống kê du lịch.
Về bảo vệ tài nguyên, môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu
Tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của pháp luật Việt Nam về bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ tài nguyên và môi trường du lịch; thực hiện đầy đủ các cam kết tại báo cáo đánh giá tác động môi trường của các dự án đầu tư phát triển du lịch; không ngừng cải thiện điều kiện, môi trường lao động và bảo đảm sức khỏe cho lao động ngành du lịch.
Kết hợp giáo dục, tuyên truyền nâng cao nhận thức về vai trò, ý nghĩa của du lịch, của tài nguyên và môi trường với xây dựng chế tài xử phạt phù hợp đối với những hoạt động làm tổn hại tài nguyên và môi trường du lịch.
Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật để kiểm soát các vấn đề về môi trường, quản lý và phát triển tài nguyên; kiểm tra việc thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường của các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ du lịch. Khuyến khích phát triển du lịch xanh, du lịch thân thiện với môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Có chính sách hỗ trợ tài chính cho công tác bảo vệ tài nguyên và môi trường, nâng cao nhận thức xã hội về tác động của biến đổi khí hậu và ưu tiên các dự án tăng cường khả năng thích ứng và năng lực giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu.
Các giải pháp khác
Nghiên cứu xây dựng quỹ hỗ trợ cộng đồng du lịch; khuyến khích doanh nghiệp sử dụng lao động địa phương, ưu tiên hỗ trợ việc làm cho các đối tượng khó khăn trong phát triển du lịch cộng đồng. Phát triển du lịch gắn với đảm bảo quốc phòng an ninh và chủ quyền quốc gia; giữ gìn an ninh trật tự đảm bảo an toàn cho khách du lịch.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!