Vùng đất nhiều tiềm năng
Huyện Châu Thành được thiên nhiên ưu đãi ban tặng nhiều danh lam thắng cảnh như: Cồn Phụng, các cồn đất, cù lao sông nước miệt vườn ven sông Tiền, sông Ba Lai, vườn trái cây xanh ngát, đủ chủng loại cùng tài nguyên động thực vật phong phú. Các vườn dừa mẫu lớn là môi trường thích hợp cho các hoạt động du lịch sinh thái góp phần hình thành các sản phẩm du lịch đặc sắc như: tham quan vườn dừa, tát mương bắt cá… Đặc biệt từ sau tết Đoan Ngọ (5/5 âm lịch) trở đi là mùa trái cây chín rộ, phù hợp cho du khách tham quan, trải nghiệm.
Du khách trải nghiệm đi xe hoa lâm trên đường quê để đến thăm các vườn trái cây (Ảnh: Thu Trang)
Ngoài ra, Châu Thành còn có các di tích lịch sử văn hóa, các cơ sở tôn giáo với kiến trúc nghệ thuật độc đáo như: Đình Tân Thạch, Đình Tân Thủy, Tòa thánh Châu Minh, chùa Quới Sơn…
Bên cạnh các cơ sở sản xuất kẹo dừa, mỹ nghệ dừa hay làng nghề làm nem chua vỏ bưởi Phú Đức, Châu Thành còn có đa dạng các làng nghề, cơ sở nghề truyền thống nổi danh như: làng nghề dệt chiếu An Hiệp (xã An Hiệp), nghề sản xuất chuối sấy Trường Ân, trái cây sấy Diễm Thông….
Cơ sở làm nem chay vỏ bưởi Phú Đức (Ảnh: Vương Hãn)
Lợi thế lớn của Châu Thành là nằm trên trục giao thông quan trọng cả đường thủy lẫn đường bộ. Nơi đây được xem là điểm dừng chân lý tưởng cho các tuyến du lịch miền Tây hoặc các chương trình du lịch ngắn ngày. Thời gian tới, khi cầu Rạch Miễu 2 hoàn thành và đi vào hoạt động, Châu Thành sẽ có cơ hội đón thêm nhiều du khách hơn nữa.
Du khách tham quan và thưởng thức trái cây tại vườn du lịch Quê Ta (Ảnh: Thu Trang)
Hiện tại, Châu Thành đang tập trung phát triển các sản phẩm du lịch đặc trưng như: du lich sinh thái, du lịch trải nghiệm, du lịch tâm linh… đáp ứng được nhu cầu đa dạng của du khách.
Để du lịch phát triển bền vững
Trong năm 2023 du lịch Châu Thành đón khoảng 1 triệu khách. Toàn huyện có khoảng 43 cá nhân, tổ chức tham gia kinh doanh du lịch. Huyện cũng vừa tổ chức thành công Tuần lễ Văn hóa - Du lịch huyện Châu Thành lần 2 (5-11/6/2024) thu hút tới 96.000 lượt người dân và du khách trong, ngoài tỉnh tham gia, tăng gấp 5 lần so với lần tổ chức đầu tiên.
Các em thiếu nhi vui chơi tại Khu du lịch Làng Xanh (Ảnh: Thu Trang)
Theo Chủ tịch UBND huyện Châu Thành ông Phạm Văn Sang, Châu Thành có rất nhiều tiềm năng để phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch sông nước. "Đến với Châu Thành, quý khách sẽ xuôi miền sông nước hữu tình để thưởng ngoạn, trải nghiệm những điều bình dị, chân phương bằng tàu qua các cồn, bãi, trải nghiệm các vườn cây ăn trái đặc sản, tham gia các trò vui chơi giải trí đậm chất miền sông nước..", ông Sang giới thiệu. Châu Thành cũng xây dựng cho mỗi xã một sản phẩm OCOP đặc trưng (nem chay, dừa, bưởi, chôm chôm…) để phát triển du lịch.
Các tour tuyến du lịch sinh thái ở Châu Thành hiện này thường được thiết kế gắn môi trường thiên nhiên với đời sống của người dân miệt vườn. Tiêu biểu phải kể đến tour trải nghiệm sông nước Cồn Phụng với hoạt động, chèo thuyền, nghe đờn ca tài tử, tham quan lò kẹo, quy trình nuôi ong lấy mật, tham quan vườn cây ăn trái và thưởng thức sản vật địa phương. Ngoài ra còn có tour chèo thuyền trên rạch dừa nước tham quan lò gạch, đi xe hoa lâm trên đường làng, uống trà mật ong và tham quan điểm dệt chiếu.
Trải nghiệm du lịch Cồn Phụng (Ảnh: BTC)
Sắp tới huyện cũng sẽ mời gọi các nhà đầu tư vào cụm du lịch sinh thái tại Cồn Qui, Cồn Tân Mỹ để hình thành các khu nghỉ dưỡng ven sông, thu hút thêm du khách đến với Châu Thành.
Mặc dù du lịch đang đem lại nguồn lợi lớn cho địa phương, nhưng theo Phòng Tài nguyên và Môi trường, tình trạng suy thoái về môi trường ở huyện vẫn là một trong những thách thức lớn. Việc phối hợp giữa các ngành trong việc thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường còn chưa chặt chẽ.
Thưởng thức những món đặc sản miền sông nước (Ảnh: BTC)
Du lịch nông nghiệp ở các địa phương hiện nay vẫn còn tồn tại tình trạng làm du lịch một cách manh mún, nhỏ lẻ, các dịch vụ, sản phẩm trải nghiệm chưa đa dạng, thái độ đón tiếp khách du lịch chưa phù hợp… Người dân vẫn chỉ quen sản xuất nông nghiệp nên chưa có các kỹ năng phục vụ khách du lịch một cách chuyên nghiệp hoặc chưa quan tâm và không đặt mục tiêu sản xuất gắn với phát triển du lịch.
Hướng dẫn viên giới thiệu một khu di tích lịch sử (Ảnh: BTC)
Để du lịch phát triển một cách bền vững, ngoài việc xây dựng các sản phẩm hấp dẫn gia tăng trải nghiệm cho du khách thì cũng cần phải chú ý đến việc đào tạo nguồn nhân lực địa phương. "Người dân địa phương chính là người có trách nhiệm bảo về tài nguyên du lịch và họ được chia sẻ các nguồn lợi kinh tế do phát triển du lịch tạo ra. Từ đó họ sẽ nhận ra vai trò của chính bản thân trong hoạt động du lịch", Tiến sĩ Phan Thị Nhàn, giảng viên trường Đại học Nguyễn Tất Thành, bày tỏ quan điểm.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!