1. Để từ chối uống rượu bia, hãy nói rằng bạn đã uống rồi
Cầm cốc nước hoặc nước ngọt và khi ai đó bảo bạn uống rượu, hãy nói rằng bạn đã uống rồi.
2. Nếu có thể, đứng xa những người luôn cố ép bạn uống rượu
Dành thời gian nói chuyện với những người không ép bạn uống rượu. Điều này không chỉ giúp bạn tránh xa rượu bia mà còn cho bạn những khoảng thời gian quý giá bên các thành viên khác trong gia đình.
3. Đưa ra các lý do, những hậu quả khi uống bia rượu trong quá khứ của bạn
Chẳng hạn như là một vụ nôn thốc nôn tháo, một vụ tai nạn do uống rượu, bệnh dạ dày hay bất cứ hậu quả nào liên quan đến rượu bia. Mọi người sẽ chấp nhận việc bạn không uống rượu nếu biết rõ lý do chính đáng.
4. Chỉ đơn giản là từ chối uống rượu bia
Bạn là người quyết định mình có uống rượu hay không. Nếu người khác tôn trọng bạn, họ sẽ tôn trọng quyết định của bạn.
5. Giữ cho mình luôn bận rộn
Duy trì sự bận rộn giúp bạn đánh lạc hướng mọi người xung quanh hay ngăn ai đó ép bạn uống rượu. Hãy cố gắng trò chuyện, thưởng thức món ăn hay chụp ảnh với người khác.
6. Tìm người đồng minh
Nếu uống rượu trong một quán bar hoặc nhà hàng, bạn hãy kín đáo thông báo cho các nhân viên biết mình không được rượu, hoặc bạn đang tránh uống rượu để giữ sức khỏe. Hãy yêu cầu người phục vụ đưa bạn thức uống khác để đánh lạc hướng mọi người. Điều này sẽ giúp bạn không bị say do uống quá nhiều.
7. Uống nhấp môi nhanh và lảng sang chuyện khác
Nếu phải uống, bạn có thể nhấp môi, và đừng quên nói những câu chuyện vui vẻ để tạo không khí sôi nổi lấn át việc mời rượu bia.
ThS BS Võ Ngọc Quốc Minh, khoa Nội tiêu hóa, bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM cho hay, trong rượu bia chứa ethanol, có thể gây độc hại nếu sử dụng nhiều.
Ngộ độc ethanol có thể cấp tính hoặc mạn tính, phụ thuộc vào số lượng rượu người đó thường xuyên uống.
Trường hợp nhẹ, người bệnh có thể bị kích động, la hét, nói ngọng. Ngộ độc nặng hơn thì dẫn đến lơ mơ, hôn mê, khó thở, suy hô hấp…
Nếu nạn nhân uống phải những loại rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ, chứa cồn công nghiệp gây độc cho cơ thể dẫn đến ngộ độc rượu.
Hậu quả có thể dẫn đến những rối loạn về thị giác như nhìn thấy mờ, nhìn một vật thành hai, hoặc không nhìn thấy, nặng hơn nạn nhân bị hôn mê, khó thở, suy hô hấp, tụt huyết áp dẫn đến tử vong.
Bên cạnh đó, rượu bia còn gây ra viêm gan mãn tính dẫn đến xơ gan ở những người uống rượu bia nhiều hoặc lâu năm, gây viêm tụy cấp, tăng nguy cơ ung thư miệng và thực quản, ung thư gan, ung thư đại tràng và giảm sức đề kháng cơ thể dễ bị nhiễm trùng, lao phổi hơn người bình thường.
Rượu bia còn gây rối loạn về tâm thần kinh như rối loạn lo âu, trầm cảm, hoang tưởng, tâm trạng dễ bị kích động, tai nạn giao thông…
Đặc biệt cần lưu ý là không nên lạm dụng thuốc giải độc gan, thuốc giải rượu.
Trong trường hợp ngộ độc rượu thì cần xử trí cho nạn nhân nằm nghiêng để tránh tình trạng hít sặc gây ra suy hô hấp và viêm phổi về sau, giữ ấm cho nạn nhân vì khi ngộ độc rượu làm hạ thân nhiệt, sau đó đưa nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất - ThS BS Quốc Minh khuyến cáo.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!