Bỏ phố vào rừng để giữ đại ngàn xanh

Giang Châu-Thứ ba, ngày 29/10/2024 06:07 GMT+7

Vợ chồng anh Phạm Quang Thái chuyển vào sống gần rừng để giúp bà con phát triển vườn rừng.

VTV.vn - Giữ rừng bằng mô hình vườn rừng và phủ xanh đất trống đồi trọc bằng "bom hạt giống".

Tôi trở lại Đắk Lắk để tìm hiểu câu chuyện du lịch ngắm voi trong hoang dã ở Vườn quốc gia Yok Đôn. Nếu Yok Đôn ở Buôn Đôn đã triển khai làm du lịch được một thời gian và có lượng khách nhất định, thì Vườn quốc gia Chư Yang Sin ở huyện Lắk và huyện Krông Bông của tỉnh Đắk Lắk lại chưa khai thác du lịch nhiều.

Vườn quốc gia Chư Yang Sin sở hữu nhiều phong cảnh ngoạn mục với 50 dãy núi cao, thấp khác nhau, nhiều sườn dốc, thảm rừng mênh mông cùng đa dạng hệ thống sông suối, thác ghềnh đan xen. Đặc biệt, khu rừng phong phú với 876 loài thực vật, 203 loài chim, 46 loài thú từng được ghi nhận tại đây. Tuy nhiên, nạn săn bắt thú rừng, chặt trộm cây, hay phá rừng làm rẫy vẫn là vấn đề nhức nhối. Trước thực trạng đó, có những con người tha thiết với thiên nhiên đã quyết tâm bỏ phố vào rừng để bảo vệ đại ngàn xanh.

Trồng vườn rừng, tặng cây giống cho bà con

Được sự giới thiệu của một người bạn làm du lịch và thiện nguyện ở Đắk Lắk, tôi tìm đến căn nhà tre của vợ chồng anh Phạm Quang Thái cạnh thác Bìm Bịp. Dòng thác hoang sơ hùng vĩ nằm ở trong cánh rừng đại ngàn Chư Yang Sin thuộc địa phận của buôn Năm Pă, xã Yang Tao, huyện Lắk, cách trung tâm TP. Buôn Ma Thuột 50km theo QL27 hướng Đông Nam.

Sau khi xuống xe ô tô, tôi phải ngồi xe máy thêm một đoạn đường, rồi lại đi bộ lên dốc mới đến được Thác Bìm Bịp. Dù có hơi oải một chút, nhưng cảm giác ấy bỗng tan biến khi trước mắt tôi là dòng thác xối nước mạnh, như thả vào hồ nước phía dưới một dải lụa trắng, như một cô gái đang mặc tà áo dài trắng nhưng đầy nội lực. Ở suối đá, vài bà mẹ đang cho con nhỏ chơi đùa cùng dòng nước mát. Đi vài mét qua con suối, tôi đến nhà anh Thái. Một căn nhà nhỏ bằng tre như hiện ra từ một câu chuyện cổ tích do chính tay anh mua tre về cất dựng. Dù đường lên đây vất vả, dù điều kiện sống bớt tiện nghi, nhưng anh Quang Thái và vợ đã bỏ cuộc sống ở TP. Buôn Ma Thuật để vào đây bám rừng, làm dự án trồng vườn rừng. Anh tâm sự: "Mình đã đi qua nhiều vùng đất, thấy cảnh rừng bị xâm chiếm và tàn phá dần từ nhiều phía, nhất là phần giáp với đất sản xuất của người dân. Chính những vườn sản xuất độc hại và độc canh ấy cũng gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân và tương lai chúng ta. Sau nhiều lần suy nghĩ đắn đo và nghiên cứu cách vận hành của rừng tự nhiên, mình đã nghĩ ra mô hình vườn rừng đa tầng tán."

Bỏ phố vào rừng để giữ đại ngàn xanh - Ảnh 1.

Thác Bìm Bịp mang vẻ đẹp nguyên sơ, hùng vĩ.

Bỏ phố vào rừng để giữ đại ngàn xanh - Ảnh 2.

Căn nhà tre của vợ chồng anh Quang Thái ở ngay cạnh thác Bìm Bịp.

Để thực hiện giấc mơ phủ xanh đất trống đồi trọc và bảo vệ những cánh rừng còn lại của thiên nhiên, năm 2017, anh Thái lựa chọn huyện Lắk, vùng lưu vực ven thác Bìm Bịp để thực hiện dự án. Khu vực này cũng hội tụ đầy đủ các yếu tố để mô hình phát huy vai trò tốt nhất, như: Có người dân thiểu số, nghèo khó sống cận rừng và phụ thuộc vào rừng; Khí hậu, nguồn nước và thế đất phù hợp với hệ sinh thái vườn rừng đa tầng tán (nhất là đất sạch, nước khoáng tự nhiên từ trên cao chảy xuống); Kết hợp được các hoạt động văn hóa du lịch, quảng bá và lan tỏa mô hình điểm.

Việc chuyển vào sống gần rừng giúp anh Thái sát sao được với công việc, gần gũi với bà con, đồng thời có thể canh giữ bảo vệ rừng. Căn nhà tre ấy, dù có đơn sơ nhưng lại ấp ủ lý tưởng lớn của cả hai vợ chồng. Theo anh Thái, thay đổi nhận thức và các nguồn lực đầu tư ban đầu luôn là khó khăn lớn nhất trong việc thực hiện mô hình vườn rừng.

Bỏ phố vào rừng để giữ đại ngàn xanh - Ảnh 3.

Anh Phạm Quang Thái có nhiều năm nghiên cứu và triển khai các dự án về nông nghiệp, cây giống.

"Người dân sống dựa vào rừng, mỗi người làm một chỗ cách xa nhau; đa phần không dùng điện thoại và công nghệ; một vài người khó khăn về ngôn ngữ, nên việc gặp và chia sẻ kiến thức, hướng dẫn mô hình khó khăn. Tuy vậy tôi đã bỏ tiền túi để mua cây tặng cho người dân, thường xuyên cùng họ lên nương, thu mua một vài sản phẩm như hạt rừng, dược liệu... vừa làm vừa giải thích dần cho họ hiểu. Tôi cũng mời thêm bà con tham gia các lớp tập huấn chuyên sâu khi họ tham gia mô hình. Sau 2 năm, một số hộ dân bắt đầu thu hoạch sâm dược liệu và cà phê cũng tăng năng suất, được cộng giá thu mua. Những cây trồng lâu năm cũng tạo ra tầng tán và cho thu nhập như ca cao, mắc ca..." – anh Thái chia sẻ.

Diện tích thực hiện mô hình ngày càng được mở rộng, các nguồn hỗ trợ cũng ngày một tăng, chủ yếu thông qua du lịch trồng cây. Các loại cây trồng có chất lượng cao hơn và đang dần tạo thành hệ sinh thái rộng lớn. Anh Nguyễn Văn Thìn (SN.1988) cũng là một người dân được truyền cảm hứng từ nỗ lực của anh Thái. Anh Thìn đã dựng một ngôi nhà tre nhỏ để phát triển vườn rừng ở xã Hòa Lễ (huyện Krông Bông), đồng thời suốt 7 năm qua, anh thường xuyên tuần tra rừng, nhiều lần báo cho lực lượng kiểm lâm khi phát hiện lâm tặc xâm phạm.

"Ngày xưa ông bà dùng nhiều phân bón hóa học, thuốc trừ sâu nên thoái hóa hết đất. Chết đất, chết môi trường. Thấy nhiều cảnh người thân của mình bị ung thư, bệnh tật nên mình cũng nhìn nhận lại. Bây giờ mình trồng trọt thuận tự nhiên để cải tạo hệ sinh thái. Nếu cứ chặt cây và tàn phá đất thì khi sạt lở, mưa lũ, thiên tai xảy ra, làm bao nhiêu cũng trở về con số 0 hết. Nói chung mình phải hài hòa cả hai thứ, dân thì kiếm ăn được còn rừng tưới tắm cho dân." – anh Thìn bộc bạch.

Bỏ phố vào rừng để giữ đại ngàn xanh - Ảnh 4.

Anh Thìn giới thiệu về vườn ươm cây mới được anh Thái hỗ trợ.

Phủ xanh đất trống với "bom hạt giống"

Nhiều khu rừng, đất trống đồi trọc mất hàng chục năm vẫn không thể tái sinh và phục hồi, đa phần là do người dân liên tục phát dọn, đốt phá. Họ cho rằng các cây gỗ đó không hề mang lại giá trị kinh tế nên xâm lấn rừng để trồng bắp đậu và các cây nông nghiệp. Để dung hòa mối quan hệ giữa đất canh tác lâu đời của người dân bản địa và các khu bảo tồn thiên nhiên, anh Quang Thái đã nghiên cứu nhiều giống cây có giá trị kinh tế dưới tán rừng như: sâm dược liệu, cây ăn trái bản địa, cây lấy hạt... để đưa và "bom hạt giống".

"Bom hạt giống" là một ý tưởng sáng tạo của người dân Ấn Độ để khôi phục những khu đất bị sa mạc hóa, đất trống, đồi trọc, trảng cỏ và trồng mới những cánh rừng bị chặt phá. Đây là một phương pháp gieo trồng bằng hạt giống được bọc trong vật liệu đất. Đất bọc hạt thường là hỗn hợp đất sét và các thành phần khác như phân trộn hoặc mùn. "Bom hạt giống" sau khi hoàn thành sẽ được phơi khô trước khi gieo. Sau khi mang đi thả trên rừng hoặc vùng đất trống đồi trọc, các hạt giống nằm im trong lớp đất đợi khi có mưa sẽ nảy mầm, cây con mọc lên đã có sẵn một lượng dinh dưỡng đủ để phát triển ban đầu. Mùa mưa kéo dài khoảng 2 – 3 tháng đủ để cây con cứng cáp. Khi mùa khô hạn đến thì sức chống chọi của cây con cũng mạnh hơn.

Bỏ phố vào rừng để giữ đại ngàn xanh - Ảnh 5.

"Bom hạt giống" có cách làm đơn giản và tiết kiệm chi phí.

Bên cạnh đó, giá thành làm ra "bom hạt" rẻ hơn rất nhiều lần so với việc đi mua cây giống về trồng, thuận tiện mang đi xa, lên vùng cao để "quăng bom hạt". Chúng tái sinh tự nhiên, cắm rễ cọc sâu vào đất nên phù hợp với cảnh quan sinh thái môi trường rừng. Từ đó góp phần phục hồi rừng nhanh hơn, các loài chim, sóc, thú nhỏ cũng có thêm nhiều nguồn dinh dưỡng để sinh sôi nảy nở.

Bỏ phố vào rừng để giữ đại ngàn xanh - Ảnh 6.

Phủ xanh đất trống đồi trọc từ những mầm xanh của "bom hạt giống".

Không chỉ phát triển vườn rừng, anh Thái còn ấp ủ giúp người dân làm du lịch cộng đồng để có thêm nguồn thu nhập, dựa vào cảnh quan thiên nhiên và văn hóa truyền thống lâu đời để đón khách.

"Hàng tỉ năm qua, chúng ta được rừng bao bọc, nuôi dưỡng và che chở, cớ sao bây giờ núi non hoang tàn. Ngay bây giờ nếu không nghiêm túc nhận thức lại về giá trị của rừng, thì tự chúng ta tước đi quyền được sống, tự do, hạnh phúc của loài người cũng như muôn loài khác. Việc bảo vệ, phục hồi rừng phải được xem là mục tiêu quan trọng nhất của mọi mục tiêu. Những thách thức của tương lai đa phần đến từ việc cạn kiệt và suy thoái nguồn tài nguyên thiên nhiên nên cần có pháp chế và quy trình giám sát nghiêm ngặt hơn, ứng dụng các công nghệ như camera độ phân giải cao, flycam để tuần tra bảo vệ rừng, đánh dấu mã số nhóm cây gỗ lớn. Quy hoạch tách rời và rõ ràng với các vùng sản xuất lâu đời cận rừng của bà con, giúp bà con vùng khó khăn triển khai mô hình canh tác nông nghiệp thuận tự nhiên "Vườn Rừng".

Nhiều hoạt động trồng cây được các cá nhân, tổ chức đồng hành cùng anh Thái.

Bỏ phố vào rừng để giữ đại ngàn xanh - Ảnh 8.

Ly cà phê từ những hạt cà phê sạch trồng thuận tự nhiên dưới tán rừng.

Rời khỏi căn nhà tre mộc mạc thân thương và cảnh sắc nên thơ của thác Bìm Bịp, tôi vẫn nhớ về hương vị của cốc cà phê từ hạt dưới tán rừng hoàn toàn thuận tự nhiên, nhớ về bữa ăn giản dị của những trái tim chung nhịp đập với tình yêu thiên nhiên, tình yêu đất nước. Chợt nhớ đến bài thơ "Lời cầu nguyện của rừng" của tác giả người Đức, Hannes Tuch, được Bùi Bá dịch sang tiếng Việt vào khoảng năm 1952, khi ông còn là một kỹ sư thuỷ lâm.

"Người có biết những đêm đông giá lạnh, ta bốc hơi ấm lửa hun nồng

Người có biết, những ngày nắng gắt, ta che tán mát rượi ánh chiều nung,

Người có biết, dưới sườn nhà đồ sộ, ta che người dầu dãi nắng mưa chan;

Người có biết, trên nếp giường êm ấm, người nương ta an giấc điệp mơ màng

Người có biết, kìa con thuyền vượt sóng, ta đưa người du ngoạn khắp năm châu,

Người có biết, này chuôi cày xới đất, ta vun cây cho nẩy nở hoa màu

Chính ta đã rước người vào cuộc thế, trong chiếc nôi âu yếm mẹ đưa ru...

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước