Các nghệ nhân hãnh diện, tự hào giới thiệu sản phẩm tại Festival Làng nghề truyền thống 2023

Hương Uyên-Chủ nhật, ngày 12/11/2023 14:30 GMT+7

VTV.vn - Festival Làng nghề truyền thống 2023 là hoạt động có ý nghĩa quan trọng nhằm bảo tồn, giữ gìn, tái hiện và phát huy bản sắc các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.

Với mục đích bảo tồn, giữ gìn, tái hiện và phát huy bản sắc các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, lấy các làng nghề của thành phố Hà Nội làm trung tâm để lan tỏa sang các địa phương khác, Festival Bảo tồn và Phát triển làng nghề Việt Nam năm 2023 đã chính thức diễn ra tại Hoàng thành Thăng Long, Hà Nội.

Các nghệ nhân hãnh diện, tự hào giới thiệu sản phẩm tại Festival Làng nghề truyền thống 2023 - Ảnh 1.

Tiết mục hát xẩm của Trung tâm xúc tiến quảng bá Di sản văn hoá phi vật thể Việt Nam

Đây là hoạt động có ý nghĩa quan trọng nhằm bảo tồn, giữ gìn, tái hiện và phát huy bản sắc các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, hình thành các nét văn hóa đương đại của làng nghề Việt Nam. Thông qua đó tạo môi trường giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, kiến thức sản xuất kinh doanh sản phẩm làng nghề; tôn vinh các nghệ nhân, thợ giỏi, người lao động trong các làng nghề; quảng bá, giới thiệu các làng nghề, phố nghề truyền thống trên địa bàn thành phố Hà Nội và cả nước; từng bước thúc đẩy tiêu thụ, nâng cao giá trị sản phẩm và phát triển du lịch trong các làng nghề.

Ông Nguyễn Văn Thiện - nghệ nhân làng nghề dệt chiếu Định Yên, tỉnh Đồng Tháp bày tỏ niềm vui mừng khi các sản phẩm của mình nhận được nhiều sự quan tâm: “Từ hôm khai mạc, khách tới tham quan rất nhiều, có cả những bà con ở phương xa đến, vừa xem, vừa tập cách làm chiếu, có cả người nước ngoài. Tôi rất hãnh diện và vui mừng khi mình đến được Thủ đô Hà Nội để truyền bá làng nghề của mình đến với mọi người, cho mọi người thấy được xứ của mình có nghề này. Tôi cũng cố gắng quảng bá để nghề được phát triển hơn nữa, được mọi người biết đến nhiều hơn”.

Các nghệ nhân hãnh diện, tự hào giới thiệu sản phẩm tại Festival Làng nghề truyền thống 2023 - Ảnh 2.

Du khách nước ngoài trải nghiệm dệt chiếu tại gian hàng

Nói về quá trình tạo ra các sản phẩm chiếu thủ công, ông Thiện chia sẻ: “Trước đây, chúng tôi chỉ làm bằng tay. Nhưng gần đây, do nhu cầu của người mua tăng cao hơn, một vài hộ trong làng đã bắt đầu sản xuất thêm bằng máy. Các sản phẩm làm bằng tay sẽ có thời gian hoàn thiện chậm hơn, chất liệu mỏng hơn, làm bằng máy sẽ nhanh và dày hơn. Nếu làm bằng tay, một ngày hai người chỉ làm được từ 4 đến 6 chiếc chiếu, làm bằng máy thì chỉ cần một người làm, một ngày sẽ làm được từ 10 đến 15 chiếc”.

Các nghệ nhân hãnh diện, tự hào giới thiệu sản phẩm tại Festival Làng nghề truyền thống 2023 - Ảnh 3.

Hai nghệ nhân dệt chiếu trực tiếp tại gian hàng. Với mỗi chiếc chiếu dài 2m, giá bán sẽ là 100.000 đồng.

Mang đến Festival Làng nghề truyền thống Việt Nam những sản phẩm của làng lụa Vạn Phúc, chị Ninh Thị Phương Thuý chia sẻ: “Đây là những sản phẩm của làng nghề Vạn Phúc Hà Đông, cũng là sản phẩm của gia đình tôi sản xuất và được dệt bằng tay. Tôi mang đến dòng lụa vân the Vạn Phúc - dòng lụa nổi tiếng nhất của Vạn Phúc từ xưa đến giờ và cũng là dòng lụa được người Pháp đánh giá là đệ nhất tinh xảo xứ Đông Dương. Bên cạnh đó còn có áo dài lụa và vải lụa đều từ 100% tơ tằm. 

Gian hàng của tôi thu hút mọi người đến tham quan và mua sắm ngay từ đêm khai mạc. Nhiều bác lớn tuổi cũng quan tâm, thậm chí còn xin cả địa chỉ, số điện thoại để có dịp sẽ vào tận nơi thăm xưởng sản xuất của gia đình và xem thêm các mẫu”.

Các nghệ nhân hãnh diện, tự hào giới thiệu sản phẩm tại Festival Làng nghề truyền thống 2023 - Ảnh 4.
Các nghệ nhân hãnh diện, tự hào giới thiệu sản phẩm tại Festival Làng nghề truyền thống 2023 - Ảnh 5.

Những mảnh vải lụa vân the được trưng bày tại gian hàng của chị Phương Thuý

Chia sẻ thêm về nghề dệt lụa truyền thống, chị Thuý bày tỏ: “Từ ngày xưa các cụ đã làm nghề, sau đó cứ cha truyền con nối qua bao thế hệ, đến giờ tôi vẫn tiếp tục theo nghề truyền thống này. Tôi rất tự hào về sản phẩm của làng quê mình, cảm thấy vinh dự và xúc động khi được tham gia vào một sự kiện lớn như thế này để có thêm động lực tiếp tục gắn bó với nghề, tiếp nối sự nghiệp mà các cụ để lại”.

Làng nghề Đông Cửu là ngôi làng duy nhất làm long bào, long phục cho các triều đại phong kiến Việt Nam. Trải qua nhiều thăng trầm trong lịch sử, đến nay, trong làng vẫn duy trì nghề thêu truyền thống, trở thành công việc chính giúp tạo thu nhập cho không ít người dân ổn định cuộc sống.

Tại làng Đông Cửu có hơn 100 hộ mở xưởng thêu, nhân lực từ 10 đến 20 thợ. Đa phần người dân sống ở Đông Cửu được tiếp cận loại hình thêu từ bé. Anh Nguyễn Văn Đốc cũng là một trong số những người như vậy. 

Chia sẻ về cảm xúc khi đến với Festival Làng nghề Việt Nam 2023, anh Đốc cho biết: “Đây là nơi để giao lưu, gặp gỡ các làng nghề và được giới thiệu với bà con trên mọi miền về làng nghề chúng tôi. Có nhiều người, cả khách nước ngoài tới tham quan và tỏ ra khá thích thú với những sản phẩm cổ phục tại đây. Vì vậy, chúng tôi quyết định mang khung thêu tới để mọi người có thể tận mắt chiêm ngưỡng cũng như có thể tự trải nghiệm thêu tay một số sản phẩm”.

“Gian hàng lần này chúng tôi mang đến tất cả những sản phẩm về hàng thêu như khăn áo, trang phục, đồ phục chế... để giới thiệu tới tất cả những ai quan tâm tới sản phẩm và chưa biết về làng nghề chúng tôi. Chúng tôi có cả sản phẩm thêu tay 100%, có cả sản phẩm kết hợp giữa thêu tay và thêu máy.

Những sản phẩm của chúng tôi phục vụ chủ yếu cho bên hầu đồng và bên đồ tế lễ hội. Còn có cả những cá nhân họ mua về để phục vụ cho nhu cầu, sở thích sưu tầm nhưng tệp khách hàng đó còn hạn chế về số lượng” - anh Đốc nói thêm về các sản phẩm thêu của làng nghề Đông Cửu.

Các nghệ nhân hãnh diện, tự hào giới thiệu sản phẩm tại Festival Làng nghề truyền thống 2023 - Ảnh 6.
Các nghệ nhân hãnh diện, tự hào giới thiệu sản phẩm tại Festival Làng nghề truyền thống 2023 - Ảnh 7.

Các sản phẩm được thêu tỉ mỉ, tinh xảo

Festival Làng nghề truyền thống Việt Nam 2023 sẽ kéo dài đến hết ngày 12/11/2023 tại Hoàng thành Thăng Long với nhiều hoạt động hấp dẫn như: các không gian sáng tạo làng nghề Hà Nội; không gian trưng bày sản phẩm thủ công mỹ nghệ; không gian làng nghề di sản; không gian trải nghiệm văn hóa ẩm thực OCOP vùng miền; gian hàng thủ công mỹ nghệ, sản phẩm làng nghề của các địa phương trên cả nước...

Một số hình ảnh khác tại sự kiện:

Các nghệ nhân hãnh diện, tự hào giới thiệu sản phẩm tại Festival Làng nghề truyền thống 2023 - Ảnh 8.

Gian hàng phát triển chuỗi giá trị mây tre lá gắn với quản lý rừng bền vững, góp phần giảm phát thải khí nhà kính tỉnh Sơn La

Các nghệ nhân hãnh diện, tự hào giới thiệu sản phẩm tại Festival Làng nghề truyền thống 2023 - Ảnh 9.
Các nghệ nhân hãnh diện, tự hào giới thiệu sản phẩm tại Festival Làng nghề truyền thống 2023 - Ảnh 10.
Các nghệ nhân hãnh diện, tự hào giới thiệu sản phẩm tại Festival Làng nghề truyền thống 2023 - Ảnh 11.
Các nghệ nhân hãnh diện, tự hào giới thiệu sản phẩm tại Festival Làng nghề truyền thống 2023 - Ảnh 12.

Sản phẩm nón lá làng Chuông

Các nghệ nhân hãnh diện, tự hào giới thiệu sản phẩm tại Festival Làng nghề truyền thống 2023 - Ảnh 13.
Các nghệ nhân hãnh diện, tự hào giới thiệu sản phẩm tại Festival Làng nghề truyền thống 2023 - Ảnh 14.

Các sản phẩm nổi bật tại gian hàng của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam

Các nghệ nhân hãnh diện, tự hào giới thiệu sản phẩm tại Festival Làng nghề truyền thống 2023 - Ảnh 15.

Sản phẩm bơ tại gian hàng của Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước