Theo báo cáo của FBI (Mỹ), có đến 3 tỷ USD bị lừa đảo hàng năm do người cao tuổi “nhẹ dạ cả tin”. Hầu hết những người này đều trên 65 tuổi và có điều kiện tài chính tốt. Bên cạnh đó, các đối tượng lừa đảo trên thiết bị kỹ thuật số rất tinh vi, thủ đoạn luôn đổi mới, đánh thẳng vào tâm lý của người lớn tuổi.
Dưới đây là một số cách thức lừa đảo phổ biến mà nhiều người cao tuổi thường gặp phải.
1. Hỗ trợ kỹ thuật hoặc sửa chữa nhà
Nếu bạn nhận được một cuộc điện thoại từ người lạ đề nghị hỗ trợ kỹ thuật. Hoặc là ai đó đưa ra đề xuất sửa chữa căn nhà của bạn, tự xưng là nhân viên bảo dưỡng của một hãng dịch vụ thì bạn phải hết sức cảnh giác. Bạn đừng tin tưởng bất kỳ cuộc gọi nào, ngay cả khi họ nói rằng họ làm việc cho một thương hiệu hay công ty mà bạn biết.
2. Lừa đảo qua điện thoại
Một trò lừa đảo qua điện thoại phổ biến là khi nhận được một cuộc điện thoại lạ nói rằng họ là người thân của bạn và đang gặp khó khăn về mặt tài chính. Nhiều người đã tin là thật và rồi mất tiền oan. Trước sự việc như vậy, bạn cần tỉnh táo và kiểm tra với một thành viên khác trong gia đình để nắm chắc thông tin.
3. Mạo danh Nhà nước
Nhiều kẻ xấu giả mạo là người thuộc cơ quan Nhà nước để lừa đảo bạn. Họ đã chuẩn bị kịch bản rất kỹ càng, đánh trúng tâm lý của bản thân chúng ta. Chẳng hạn như họ bắt bạn đóng tiền phạt vì đã vượt đèn đỏ, chạy xe quá tốc độ,... bạn nên tỉnh táo và hiểu rằng, các cơ quan chính quy sẽ không bao giờ gọi điện thoại cho bạn để đòi tiền.
4. Trúng thưởng, trúng xổ số
Đây là một cách thức lừa đảo phổ biến nhất hiện nay. Nhiều người lớn tuổi thường nhận được cuộc điện thoại thông báo rằng họ đã trúng xổ số và họ chỉ cần trả một khoản phí nhỏ để được nhận tiền thưởng. Thực tế là không có bất kỳ một giải thưởng nào cả mà thậm chí còn mất tiền.
5. Lừa đảo qua TV/Radio
Những kẻ gian xảo đủ thông minh để đăng bài quảng cáo lên phương tiện truyền thông với tiêu đề thu hút như cơ hội để làm giàu, việc nhẹ lương cao, đầu tư dễ dàng không cần vốn. Họ sẽ để sẵn một đường liên kết và số điện thoại để chúng ta liên lạc. Nếu bạn gọi cho họ thì nguy cơ cao bạn sẽ bị đánh cắp thông tin cá nhân.
Mẹo để người cao tuổi tránh bị lừa đảo
Mọi người không nên trả lời cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo rõ ràng. Các chuyên gia khuyên rằng chúng ta hãy lưu số điện thoại của tất cả những người quen vào danh bạ. Bằng cách đó, khi bạn nhận được cuộc gọi lạ nhưng cho rằng họ là người thân thiết thì bạn sẽ tự tin hơn trong việc xác định rõ danh tính của đối phương.
Bạn nên thiết lập thư thoại. Đôi khi, ngay cả những cuộc gọi tự động hoặc những kẻ lừa đảo cũng để lại thư thoại thì đây cũng là cách hay để sàng lọc cuộc gọi giúp bạn không bao giờ rơi vào bẫy ngay lập tức.
Mọi người nên tự nhắc nhở bản thân và người lớn tuổi xung quanh không nên nhận số điện thoại từ những người mà bạn không biết.
Công dân cao tuổi cần làm gì khi gặp lừa đảo qua điện thoại?
Nếu bạn gặp trường hợp người lạ yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân như địa chỉ, họ và tên, ngày sinh, số thẻ ngân hàng thì bạn tuyệt đối không được cung cấp. Trường hợp người gọi tự xưng là người thân của bạn nhưng lại gọi bằng số điện thoại khác kèm với giọng nói lạ với những ý định xấu đã liệt kê như trên thì bạn không được làm theo.
Mặc dù bạn đã lớn tuổi nhưng lại trở thành nạn nhân của một vụ lừa đảo qua điện thoại thì hãy biết rằng bạn không đơn độc. Mọi người đừng ngần ngại mà hãy lên tiếng và báo cáo hành vi sai trái của những kẻ làm việc xấu cho chính quyền địa phương. Biết đâu được bạn có khả năng sẽ giúp ai đó tránh xa tệ nạn này thì sao?
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!