Giữa lúc làn sóng phản đối rác thải nhựa đang gia tăng trên toàn thế giới, các nhà sản xuất đồ uống đóng chai đang tìm cách chuyển đổi sản xuất, tìm những sản phẩm "xanh" hơn đối với môi trường. Trong đó, các loại lon/hộp nhôm dễ dàng tái sử dụng đang được coi là ứng viên sáng giá để thay thế chai nhựa dùng một lần. Nhưng đây có thực sự là một lựa chọn hoàn hảo hay không thì chưa chắc.
Mới đây nhất, tập đoàn đồ uống Damone của Pháp đã bắt đầu chuyển đổi từ việc sử dụng các chai nhựa sang các lon/hộp nhôm cho một số nhãn hàng nước uống phân phối ở Anh, Ba Lan và Đan Mạch. Trước Damone, những đối thủ như Coca-Cola Co, PepsiCo và Nestle cũng đã bắt đầu thay thế một số nhãn hàng nước uống sang phiên bản lon nhôm. Ngành đồ uống đã nhanh chóng đẩy mạnh các nỗ lực tái sử dụng trong bối cảnh làn sóng phản đối chai nhựa dùng một lần gây ô nhiễm đại dương ngày càng gia tăng.
Nhưng ranh giới được và mất trong cuộc chiến "xanh" có vẻ rất mập mờ. Trong khi gia tăng nỗ lực sử dụng đồ chứa có thể tái sử dụng thì nỗ lực giảm thiểu khí thải carbon của các công ty lại bị cản trở. Trên thực tế, các loại lon/hộp nhôm thực sự giúp giảm lượng rác thải nhựa ra môi trường, nhưng lượng khí thải carbon từ việc sản xuất một lon nhôm cao gấp đôi lượng khí thải carbon từ việc sản xuất một chai nhựa.
Theo giám đốc quản lý vật liệu đóng gói bền vững của Heineken Ruben Griffioen, đây là thế tiến thoái lưỡng nan buộc các công ty phải lựa chọn. Việc tái chế nhựa phức tạp hơn, chất lượng kém hơn và tỷ lệ tái sử dụng thấp hơn so với tái chế nhôm. Dữ liệu của Cơ quan Bảo vệ môi trường Mỹ cho thấy tại thị trường này, các loại lon/hộp nhôm có tỷ lệ thành phần có thể tái chế trung bình là 68% trong khi các chai nhựa chỉ có 3%. Vì vậy, nhôm được coi là một lựa chọn "xanh" hơn nhiều so với nhựa.
Tuy nhiên, theo Giám đốc đánh giá phát thải carbon thuộc tổ chức tư vấn Carbon Trust, ông Martin Barrow, đúng là các sản phẩm từ nhôm có thể tái sử dụng vô hạn nhưng việc sản xuất các vật dụng bằng nhôm tiêu hao một lượng lớn điện năng và cũng thải ra những khí hóa học gây hiệu ứng nhà kính. Ông Barrow dẫn các số liệu nghiên cứu tại châu Âu cho thấy, tính trung bình, việc sản xuất các loại lon/hộp nhôm có thể thải ra môi trường lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính cao gấp đôi việc sản xuất các chai nhựa. Cụ thể, sản xuất một lon nhôm 330ml có thể thải tối đa 1.300g CO2 trong khi sản xuất một chai nhựa cùng dung tích với chất liệu nhựa PET thông dụng thải khoảng 330g CO2.
Đại diện của một số hãng nước uống nổi tiếng như Coca-Cola hay Pepsi khẳng định việc đảm bảo sử dụng một chất liệu "xanh 100%" là hoàn toàn bất khả thi. Khi tìm kiếm một chất liệu khác, các công ty phải cân nhắc tất cả các khía cạnh từ lượng khí phát thải, thị hiếu người tiêu dùng, năng lượng, nước.... Có những khía cạnh chưa thực sự đáp ứng yêu cầu nhưng nếu các khía cạnh đạt yêu cầu vượt trội khía cạnh chưa đạt thì các hãng buộc phải lựa chọn. Khó có thể đạt tới tiêu chuẩn "xanh 100%". Xét về khí thải trong sản xuất, lon/hộp nhôm có thể không đáp ứng yêu cầu nhưng khi tính đến các chi phí vận chuyển, đóng gói lần 2, thời gian lưu kho, bảo quản lạnh và nhiều khía cạnh khác thì vật liệu này vượt trội so với chai nhựa.
Tuy nhiên, về giá thành sản xuất, mức độ tiện lợi khi sử dụng chai nhựa thực sự vượt trội hơn lon/hộp nhôm trong khi việc phải chuyển đổi dây chuyền sản xuất để phù hợp với vỏ chứa mới hay bài toán liệu có đủ lon/hộp nhôm cung cấp cho nguồn nhu cầu ngày càng lớn, cũng khiến các công ty phải cân nhắc. Vì vậy, trên thực tế, dù vẫn tính toán chuyển đổi sử dụng các bao bì tái sử dụng thì không ít công ty cũng đang tìm cách "xanh hóa" các bao bì nhựa. Giới khoa học cũng nỗ lực để tạo ra những hợp chết mới dễ phân hủy và dễ tái sử dụng hơn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!