Những chương trình nghệ thuật kể câu chuyện lịch sử, văn hóa của địa phương thông qua cách trình diễn văn hóa truyền thống trong thời gian qua đã làm nên dấu ấn cho các điểm đến du lịch. Một tín hiệu mừng là ngày càng có nhiều hơn địa phương, cộng đồng chủ động khai thác giá trị văn hóa truyền thống để phát triển du lịch cộng đồng. Văn hóa đã tạo nên sức hấp dẫn riêng cho du lịch ở các địa phương. Thời gian qua, việc phát huy giá trị bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số qua các lễ hội, trang phục, ẩm thực… đã mang đến cho du khách trải nghiệm đặc sắc.
Bản sắc trong phong tục tập quán, ẩm thực lối sống là chìa khóa thành công của mô hình du lịch cộng đồng, thậm chí tạo ra sự phát triển nóng ở nhiều địa phương. Tuy nhiên, thời gian qua, việc phát triển du lịch cộng đồng ở một số nơi vẫn còn hạn chế nhất định, như mang tính tự phát, làm theo phong trào, chưa đảm bảo giữ gìn môi trường tự nhiên, làm mai một bản sắc hoặc chưa xứng tầm với tài nguyên văn hóa.
“Hiện nay, chúng ta mới chỉ khai thác được những phần mang tính chất bề nổi của nó, chưa thấy giá trị sâu, thực của các giá trị ấy được thể hiện qua sản phẩm du lịch. Tức là, chúng ta giới thiệu được một món ăn rất lạ, thu hút khách đến nhưng lại chưa nói được giá trị của món ăn ấy. Như vậy, khách chỉ đến trải nghiệm mà chưa hiểu. Nhiều yếu tố văn hóa truyền thống rất tốt đẹp nhưng những người làm lại không hiểu tất cả những giá trị đó nên chưa quảng bá được…”, TS Nguyễn Anh Cường – Phó Trưởng khoa Quản trị du lịch và ngôn ngữ quốc tế, Đại học Văn hóa Hà Nội chia sẻ.
Thực tế cho thấy, chỉ những địa phương xây dựng được môi trường văn hóa ở các điểm du lịch thì những giá trị văn hóa bản địa mới được khai thác, phát huy hiệu quả. Trong đó, người dân địa phương cũng chính là người trực tiếp tham gia vào hoạt động du lịch, được xây dựng những chuẩn mực về lối sống, hành vi trong giao tiếp, ứng xử, cũng như trong các hoạt động kinh doanh. Song song với gìn giữ, khai thác giá trị văn hóa, cần thiết phải xây dựng, bồi dưỡng những cộng đồng làm du lịch.
Những nét đặc sắc trong văn hóa truyền thống của các dân tộc cộng đồng chính là tài nguyên để thúc đẩy du lịch. Nhưng ở chiều ngược lại, khi du lịch phát triển, ý thức xây dựng môi trường văn hóa, cảnh quan môi trường văn minh, sạch sẽ cũng được nâng cao, đóng góp tích cực trong việc giữ gìn bản sắc dân tộc. Theo các chuyên gia, ngoài sự chủ động của người dân, thời gian tới vẫn cần hơn nữa các quy định hướng dẫn cộng đồng trong hoạt động du lịch.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!