Thông tin dịch tả lợn châu Phi bùng phát trong thời gian qua đã khiến dư luận hết sức hoang mang, mặc dù dịch tả lợn không gây bệnh ở người nhưng phần đông người dân vẫn có tâm lý tẩy chay thịt lợn. Có thể thấy, căn bệnh này không chỉ làm thiệt hại cho những hộ chăn nuôi có lợn bị dịch bệnh phải tiêu hủy mà còn gây thiệt hại cho bộ phận lớn các tiểu thương buôn bán thực phẩm.
Những ngày gần đây, rất nhiều trường mầm non, tiểu học đã thông báo sẽ ngừng sử dụng thịt lợn trong các bữa ăn hàng ngày của trẻ đến khi nào dịch được kiểm soát. Tại các khu chợ, các gian hàng bán thịt lợn cũng rất vắng vẻ, sức tiêu thụ thịt giảm mạnh.
Tại chợ Nghĩa Tân (Cầu Giấy, Hà Nội), các khu vực bán thịt ngày thường khá đông khách, nhưng khoảng 1 tuần trở lại đây, lượng khách mỗi ngày chỉ đếm trên đầu ngón tay. Chị Quỳnh Hương - chủ một sạp bán thịt lợn tại chợ cho biết: "Thường ngày tôi bán được 20 - 30kg thịt lợn mỗi ngày là ít, còn chưa kể các sản phẩm gia tăng giá trị khác như xúc xích, giò tai, nem thính. Nhưng từ khi thông tin dịch tả lợn châu Phi bùng phát mạnh, rồi thông tin thịt lợn bị nhiễm sán gạo gây bệnh cho học sinh mầm non được đăng tải, số người mua thịt giảm dần. Giờ mỗi ngày bán được 5 - 10kg thịt lợn là nhiều, tôi còn phải hạ giá xuống rất thấp, thậm chí bán lỗ mới mong hết hàng".
Chị Hương cho hay, thịt lợn của chị được nhập về tại lò mổ có dấu kiểm dịch của cơ quan thú ý, người tiêu dùng cũng có thể kiểm tra lại bằng giác quan để biết thịt lợn có nhiễm bệnh hay không. Nếu trên da có đốm đỏ xuất huyết, thịt có màu khác lạ hay có dấu hiệu sán gạo thì đều có thể nhìn ra được bằng mắt thường.
"Theo như tôi được biết, giá nhà nước đền bù hỗ trợ cho những hộ phát hiện dịch tả lợn không hề nhỏ nên người ta phát hiện dịch thì cũng thông báo và tiêu hủy đi, không việc gì phải đem lợn bệnh bán tháo trên thị trường cả"- chủ gian hàng thịt cho hay.
Mặc dù các khu chợ lớn đều có kiểm dịch, nhưng nhiều chợ cóc tại Hà Nội vẫn chưa thể đảm bảo khâu kiểm tra chất lượng và nguồn gốc thịt hàng ngày, do đó nhiều người dân vẫn còn tâm lý lo ngại. Một số người tiêu dùng đã chuyển sang mua thịt ở các siêu thị hoặc một số cửa hàng ghi rõ nguồn gốc, xuất xứ. Thậm chí những gia đình tẩy chay thịt lợn, quyết định sử dụng các loại thịt khác để thay thế như gia cầm hay thịt bò. Điều này càng khiến thị trường thịt lợn càng ảm đảm.
Trước thông tin người dân có xu hướng "tẩy chay" thịt lợn vì sợ căn bệnh lây nhiễm, PGT.TS Trần Đắc Phu - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng khẳng định, dịch tả lợn châu Phi không gây bệnh ở người nên người dân nên bình tĩnh và không nên tẩy chay các sản phẩm thịt lợn an toàn, không bị dịch bệnh và chế biến hợp vệ sinh. Lãnh đạo Cục Y tế dự phòng cũng cho biết, dịch tả lợn châu Phi có tác nhân gây bệnh là virus nhưng khác hoàn toàn với bệnh tả ở người là một bệnh nhiễm trùng đường tiêu hóa do vi khuẩn. Do vậy, người có bị phơi nhiễm với sản phẩm động vật nhiễm bệnh không được nấu chín cũng không có nguy cơ lây nhiễm bệnh tả lợn sang người.
Người dân cũng không nên tẩy chay thịt lợn mà nên mua thịt an toàn, có nguồn gốc, xuất xứ và địa chỉ sản xuất uy tín. Người tiêu dùng có thể phân biệt được thịt mắc dịch tả lợn châu Phi, thịt nhiễm dịch sẽ có nốt xuất huyết dưới da, trên vành tai trông như vết muỗi đốt, các phần chi, bụng, ngực của lợn có màu xanh tím. Đối với thịt lợn nhiễm sán thì có thể quan sát xem thịt có những hạt trắng nhỏ như gạo nằm giữa các thớ cơ hay không. Ngoài ra, người dân nên ăn chín uống sôi, không ăn tiết canh lợn hay lợn chưa được chế biến kỹ.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!