Chính bởi giá trị lịch sử và văn hóa của các cổ vật, các kim tự tháp Ai Cập đã trở thành kho báu đối với những kẻ buôn lậu.
Tháng 1/2011, xung đột nổ ra tại Ai Cập. Bảo tàng Ai Cập nổi tiếng thế giới ở Thủ đô Cairo đã bị những kẻ nổi loạn đập phá và lấy đi những di tích cổ có giá trị. Nhiều đồ trang sức cổ và hơn 1.000 hiện vật khác tại bảo tàng Malawi ở thành phố Minya bên bờ sông Nile cũng bị bọn cướp lấy đi. Từ đó đến nay, tình trạng cướp cổ vật ngày càng trở nên nghiêm trọng tại quốc gia này.
Nạn đào bới trộm các lăng mộ thường xuyên xảy ra tại Luxor, miền Nam Ai Cập, nơi tập trung rất nhiều những đền đài và gần thung lũng của các vị vua. Việc đào trộm được thực hiện gần với địa điểm khảo cổ nên cơ quan chức năng rất khó phát hiện.
Hải quan Ai Cập cho biết, những lô hàng lậu được tuồn ra nước ngoài thường được gắn mác hàng tiêu dùng. Đích đến của chúng sẽ là những sàn đấu giá tư nhân ở New York, Mỹ, rồi từ đó lại theo tay các nhà buôn đến các nước khác.
Chuyên gia văn hóa di sản cho biết hoạt động buôn bán cổ vật kim tự tháp có hệ thống trên toàn thế giới. Ngoài Mỹ, châu Âu cũng là điểm đến của những cổ vật Ai Cập. Các đối tượng buôn lậu sẽ trung chuyển chúng qua Đức, bán lại cho các nhà sưu tập thông qua thị trường chợ đen hoặc dưới danh nghĩa quà tặng và có thể thu về lợi nhuận khoảng 3 - 4 tỷ USD/năm, ngang với buôn lậu vũ khí và ma túy.
Theo các chuyên gia khảo cổ, sở dĩ các vụ trộm cổ vật thường xuyên diễn ra là do hệ thống an ninh yếu kém tại các bảo tàng và địa điểm khảo cổ. Chính vì vậy, họ kêu gọi chính quyền tăng cường các hệ thống giám sát an ninh điện tử, đồng thời triển khai nhân viên bảo vệ bảo tàng nhiều hơn để gìn giữ những giá trị văn hóa có 1 không 2 này.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!