Để nghề muối của người Sa Huỳnh không bị mai một

Phúc Châu, Trần Huy-Thứ bảy, ngày 10/08/2024 06:08 GMT+7

VTV.vn - Tỉnh Quảng Ngãi đang nỗ lực phát triển nghề làm muối truyền thống Sa Huỳnh trên cơ sở phát huy các giá trị văn hóa truyền thống gắn với bảo vệ môi trường.

Trong quá trình tìm kiếm các di tích khảo cổ của nền văn hóa Sa Huỳnh tại làng Gò Cỏ thuộc phường Phổ Thạnh, thị xã Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi, các nhà khảo cổ đã phát hiện ra trảng muối nơi người Sa Huỳnh cổ làm muối, có niên đại khoảng 2.000 năm.

Hiện nay, nghề làm muối khó nhọc, thu nhập lại bấp bênh nên hầu hết thanh niên trong làng đều đi làm ăn xa và còn lại số ít là người lớn tuổi vẫn duy trì, giữ gìn như một nghề truyền thống này.

Dưới cái nắng nóng như đổ lửa, hàng ngày bà Vân vẫn đội nón, gánh thúng băng qua ghềnh đá, để đến nơi làm muối. Tận dụng những ô đá phẳng được bà Vân be bờ bằng đất sét, sau đó đưa nước biển vào, sau 3 ngày nước biển trong các ô đá bốc hơi kết tinh tạo muối trắng. Kỹ thuật làm muối trên đá được bà Vân thực hiện thuần thục, như cách làm muối từ hơn 2.000 năm trước.

Để nghề muối của người Sa Huỳnh không bị mai một - Ảnh 1.

Khu vực bãi cát, gành đá trước thôn Gò Cỏ, xã Long Thạnh 2, phường Phổ Thạnh, thị xã Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi là nơi người Sa Huỳnh cổ làm muối, có niên đại khoảng 2.000 năm. (Ảnh: TTXVN)

Bà Bùi Thị Vân (Làng Gò Cỏ, thôn Long Thạnh 2, phường Phổ Thạnh, Đức Phổ, Quảng Ngãi) chia sẻ: "Mùa đông nước biển phủ lên bờ đá, tháng 2 âm lịch nước rút dần ra đọng lại một vùng nước sét lại, chúng tôi múc nước này đổ lên đá be bờ đất sét giữ nước. Trước làm sao, giờ làm vậy. Mình giang nước, chỗ nào lấy muối thì lấy, còn chỗ nào giang cho mặn nữa, sau khi nước kết tinh muối, mới đưa vào nơi mình làm thu hoạch".

Trên trảng muối có diện tích khoảng 10 ha, được hình thành trên bãi đá bazan một bên giáp biển, một bên giáp núi. Người Sa Huỳnh cổ có kỹ thuật làm muối khá độc đáo, ít nơi được tìm thấy. Ngày nay, nghề làm muối luôn bấp bênh, không thu hút những người trẻ theo nghề, thì những người như bà Vân và số ít người trong làng Gò Cỏ vẫn duy trì, bởi với họ, nghề làm muối trên đá, được cha ông đúc kết và lưu truyền qua nhiều thế hệ, cần được giữ gìn.

Bà Bùi Thị Gó (Làng Gò Cỏ, thôn Long Thạnh 2, phường Phổ Thạnh, Đức Phổ, Quảng Ngãi) tâm sự: "Nghề muối này ông bà lưu truyền lại, người Chăm Pa đã đến đây làm, rồi ông bà làm bán cho cách mạng, còn thừa mình muối cá, bà con đến mua thì bán. Nhưng muối rẻ quá, làm lại khó khăn, bán rẻ nên một thời gian đã dừng làm, cho đến bây giờ mấy cô mới làm lại đây".

TS. Đoàn Ngọc Khôi - Phó Giám đốc Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Quảng Ngãi - cho biết: "Cư dân cổ từng làm muối tại đây. Chúng tôi sẽ thực hiện một loạt phân tích trong phòng thí nghiệm để làm rõ về niên đại của nghề làm muối. Điều này đem lại ý nghĩa lớn về việc so sánh chung, giữa khu vực làm muối của cư dân tiền sử ở đây với khu vực Đông Nam Á và Châu Á. Nó còn có ý nghĩa bổ sung hồ sơ khoa học về nơi làm muối cổ này, bổ sung hồ sơ không gian văn hóa Sa Huỳnh".

Cách làm muối biển trên đá ở Làng Gò Cỏ đã được kế tục kéo dài từ thời Sa Huỳnh đến Chăm Pa và Đại Việt mà không bị đứt quãng. Việc giữ gìn và phát huy giá trị văn hoá nghề truyền thống này, sẽ góp phần bổ sung quan trọng cho hồ sơ đề nghị công nhận Di sản thế giới đối với Di tích Khảo cổ văn hóa Sa Huỳnh.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước