Điểm sách: “Phóng viên ảnh Nick Út - Một huyền thoại giản dị”

Ngọc Hà -Thứ ba, ngày 29/04/2014 17:20 GMT+7

Trong cuốn sách Phóng viên ảnh Nick Út- Một huyền thoại giản dị, độc giả sẽ gặp lại bức chân dung một phóng viên chiến trường với những bức ảnh chân thực về Việt Nam và chiến tranh Việt Nam.

Những bức ảnh của Nick Ut - một phóng viên người Mỹ gốc Việt đã lột tả sự đau thương kinh hoàng của chiến tranh. Trong cuốn sách Phóng viên ảnh Nick Út- Một huyền thoại giản dị do Nhà xuất bản Thông tấn vừa ra mắt, độc giả sẽ gặp lại bức chân dung một phóng viên chiến trường với những bức ảnh chân thực, nhất là tác phẩm Napalm Girl tức “Em bé chiến tranh”. Và những bức ảnh của Nick Ut đã làm cho thế giới hiểu hơn về Việt Nam, về chiến tranh Việt Nam.

Bức ảnh mô tả một cảnh tượng hãi hùng: Một bé gái trần truồng bị cháy bỏng bởi bom napalm đang chạy trên đường nhựa cùng những đứa trẻ khác ở Trảng Bàng - Tây Ninh.

Vài ngày sau sự kiện này, bức ảnh này xuất hiện trên hầu hết trang nhất những tờ báo lớn ở Mỹ dưới tên chính thức “Nỗi kinh hoàng của chiến tranh” hay còn được biết đến với tên gọi khác “Em bé napalm”.

Ngay lập tức, “Em bé napalm” đã làm bùng thêm làn sóng phản đối cuộc chiến của Mỹ tiến hành ở Việt Nam và đem về cho Nick Ut, phóng viên ảnh của hãng thông tấn AP giải Pulitzer, một giải thưởng báo chí danh giá về báo chí năm 1973.

Với sức mạnh hơn mọi ngôn từ, bức ảnh này được xếp hạng thứ 41 trong số 100 bức ảnh chiến tranh có ảnh hưởng nhất thế kỷ XX do đại học Columbia bình chọn và được một tạp chí của Mỹ bình chọn là ảnh thời sự ấn tượng nhất mọi thời đại.

Chia sẻ ký ức với bạn bè, đồng nghiệp, Nick Ut đã tâm sự: “Mùa hè năm 1972, khi vừa dừng xe ở Trảng Bàng, Tây Ninh, tôi thấy cảnh người dân đang sơ tán, dắt díu nhau. 12 giờ trưa, không còn một bóng người trong làng, đường xá vắng tanh. Rồi tôi thấy cột khói chỉ điểm màu vàng bay lên. Sau đó, máy bay đến thả bom. Tôi cố đứng lại chụp cảnh ném bom. Họ thả 4 trái bom napalm xuống, không ai trong chúng tôi biết là bom napalm chỉ thấy lửa cháy, rồi khói đen ngòm bao kín không gian. Tôi lạy trời Phật đừng có người chết.

Nhưng sau đó, tôi thấy mấy người trong làng túa ra, vừa chạy vừa la hét hoảng loạn, trong đó có Kim Phúc, có Tâm - anh trai Kim Phúc, người cô của Kim Phúc, ai cũng bị bỏng.

Có một người phụ nữ bế đứa cháu trai, đứa bé bị bỏng. Bà vừa bế đứa bé, vừa kêu cứu, nhưng đứa bé bị bỏng nặng quá, chết ngay trước ống kính đồng nghiệp chúng tôi.

Lúc ấy, tôi bắt gặp Kim Phúc cũng bị bỏng, vừa trần truồng vừa la hét: “Anh Tâm ơi, em chết mất, em cần nước”. Tôi đã bấm được khoảnh khắc ấy”.

Ngay sau khi “bấm và bấm”, khác với một số phóng viên ảnh xung quanh, Nick Ut ngay lập tức đã đưa Kim Phúc đến Bệnh viện Củ Chi để cứu chữa.

Điều này đã lý giải cho việc tại sao một bức ảnh không chỉ phản ánh thời sự thực tại mà nó còn gắn bó cùng Nick Ut trong cả cuộc đời ông, cũng như sự trưởng thành từng ngày của Kim Phúc khi mà sau này bà được cử làm đại sứ Thiện chí của Liên hiệp quốc để giúp đỡ các nạn nhân chiến tranh.

Trong một cuộc hội ngộ ở Quảng Trị giữa Nick Ut và Đoàn Công Tính, một người đi theo bộ đội hành quân dọc đường mòn Hồ Chí Minh với một người đi theo trực thăng của quân đội Việt Nam Cộng hoà. Tuy ở 2 chiến tuyến, nhưng những bức ảnh của Nick Ut và Đoàn Công Tính đều giống nhau ở chỗ lột tả được sự khốc liệt của chiến tranh.

Họ cùng lao vào lửa đạn hiểm nguy để khắc họa chiến tranh. Hai người dự định sẽ cùng ra một cuốn sách ảnh về cuộc chiến tranh ở Việt Nam với góc nhìn ở hai chiến tuyến.

Nhà báo Giản Thanh Sơn, chủ biên của cuốn sách Phóng viên ảnh Nick Út: Huyền thoại giản dị quyết định ra cuốn sách này bởi một tình cảm đặc biệt dành cho Nick Út khi mà mỗi bức ảnh của ông đều có sự dấn thân, chia sẻ.

Chủ tịch Hội nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam Vũ Quốc Khánh đã bình luận: “Ở bức ảnh Em bé napalm không phải là sự chết chóc, mà là sự đau đớn. Bức ảnh không chỉ mang tính tư liệu báo chí nữa mà đã trở thành thông điệp kêu gọi hòa bình, đòi kết thúc chiến tranh”.

Những nhận xét, đánh giá thể hiện sự kính trọng đối với Nick Ut cả trong nghề nghiệp lẫn cách sống mà đồng nghiệp yêu mến dành tặng ông đã khiến cho cuốn sách này khái quát được một bức chân dung gần như trọn vẹn về Nich Út - một người đưa nhiều khoảnh khắc chân thực về chiến tranh Việt Nam đến với thế giới.

Mời các bạn theo dõi video chi tiết:

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước