Đoàn 4.500 khách Ấn Độ đến Việt Nam: Tín hiệu năm du lịch khởi sắc

Khánh Nguyễn. Ảnh: Minh Đường, Mạnh Pirlo, Lan Hương-Thứ tư, ngày 18/09/2024 11:49 GMT+7

VTV.vn - Thời điểm từ tháng 9 đến tháng 4 sang năm được xem là “mùa vàng” thu hút khách du lịch quốc tế đến Việt Nam sau ‘phát súng hiệu’ từ đoàn 4.500 khách Ấn Độ vừa qua.

Đoàn khách gồm 4.500 nhân viên của một tập đoàn do Tỷ phú Dilip Shanghvi người Ấn Độ đến Việt Nam du lịch từ 27/8 đến 7/9. Đoàn khách Ấn Độ sẽ chia làm 6 đến 7 nhóm nhỏ, tới Việt Nam thành nhiều đợt. Theo kế hoạch, đoàn ở Hà Nội, tham quan nhiều điểm du lịch nổi tiếng như Lăng Bác, nhà tù Hỏa Lò, Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Sau đó, đoàn khách tới vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) và khu danh thắng Tràng An (Ninh Bình).

Đoàn khách sử dụng dịch vụ lưu trú cao cấp tại các khách sạn 4-5 sao và có yêu cầu riêng về đồ ăn, phù hợp với tín ngưỡng, tôn giáo. Ngoài ra, đoàn khách cũng yêu cầu tối thiểu 3 hướng dẫn viên cho mỗi nhóm khoảng 30 - 35 người để đảm bảo được trải nghiệm tốt nhất. Các hướng dẫn viên được chọn đều phải biết tiếng Hindu, phần giới thiệu tại các điểm tham quan thường bằng tiếng Anh - Việt sẽ có thêm bảng thông tin được dịch ra tiếng Hindu.

Theo Tổng cục Thống kê, trong 7 tháng đầu năm 2024, Ấn Độ đứng vị trí thứ 7 trong danh sách 10 thị trường du khách quốc tế lớn nhất của Việt Nam.

Đối với du khách Ấn Độ, Việt Nam có sức hút mạnh mẽ từ cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, nền văn hóa sôi động, di sản thiên nhiên mang đậm nét văn hóa bản địa. Hơn nữa, du khách Ấn Độ có thể dễ dàng tới Việt Nam bởi được hỗ trợ thủ tục visa đơn giản cùng các yếu tố địa lý thuận lợi, quá trình di chuyển không quá dài khi chỉ mất khoảng 4-5h cho việc đi máy bay từ Ấn Độ sang Việt Nam.

Còn đối với du lịch Việt Nam, thị trường Ấn Độ với hơn 1,4 tỷ dân, có tầng lớp trung lưu phát triển mạnh, nhiều người sẵn sàng chi tiền cho du lịch là yếu tố rất quan trọng để các doanh nghiệp tập trung khai thác, thúc đẩy phát triển ngành du lịch nội địa.

Đoàn 4.500 khách Ấn Độ đến Việt Nam: Tín hiệu năm du lịch khởi sắc  - Ảnh 1.

Tuy nhiên, du khách Ấn Độ có những đặc trưng về văn hóa, tín ngưỡng, thói quen sinh hoạt khác biệt, đòi hỏi phải có những dịch vụ và tiêu chuẩn hết sức khắt khe nên việc khai thác triệt để, thu hút lượng khách du lịch đến từ thị trường này là không dễ dàng.

Kinh tế phát triển giúp hàng triệu người Ấn Độ thoát nghèo, lượng khách Ấn Độ du lịch nước ngoài đã đạt 27 triệu lượt vào năm 2019, tăng gấp đôi trong vòng 10 năm. Theo Economist, chi tiêu tại nước ngoài của khách Ấn Độ vào năm 2023 đạt 33 tỷ USD, tăng gấp ba lần trong 10 năm qua - dự báo đạt 45 tỷ USD vào năm 2025.

Tại Việt Nam, thị trường Ấn Độ cũng đang được nhiều đơn vị quan tâm khi lượng khách đến ghi nhận tăng trưởng. Theo Cục Du lịch Quốc gia, Việt Nam đón 392.000 khách Ấn năm 2023, tăng hơn 230% so với năm 2019. Trong 6 tháng năm nay, Việt Nam đã đón hơn 231.000 lượt khách từ thị trường này, tăng gần 165% so với cùng kỳ năm ngoái.

Khách quốc tế đến Việt Nam ngày càng tăng cao

Gần đây du lịch Việt Nam liên tiếp "ghi điểm" khi trở thành một trong những điểm đến an toàn trên thế giới. Tổ chức quốc tế về đào tạo ngoại giao Best Diplomats vừa công bố 10 điểm đến an toàn nhất châu Á và Việt Nam đứng ở vị trí thứ 8.

Trước đó, tháng 1/2024, trang Travel Off Path, một trong những trang thông tin về du lịch có quy mô lớn nhất khu vực Bắc Mỹ đánh giá Việt Nam là một trong những địa chỉ du lịch an toàn, hấp dẫn nhất ở khu vực châu Á. Việt Nam cũng là đại diện Đông Nam Á duy nhất lọt vào danh sách "9 điểm đến an toàn nhất thế giới dành cho nữ du khách du lịch một mình" của tạp chí Time Out…

Đoàn 4.500 khách Ấn Độ đến Việt Nam: Tín hiệu năm du lịch khởi sắc  - Ảnh 2.

Trong tháng 8/2024, khách quốc tế đến Việt Nam đạt 1,43 triệu lượt người, tăng 17,7% so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung 8 tháng năm 2024, khách quốc tế đến nước ta đạt hơn 11,4 triệu lượt người, tăng 45,8% so với cùng kỳ năm trước và tăng 1% so với cùng kỳ năm 2019 - năm chưa xảy ra dịch COVID-19.

Một số điểm đến của Việt Nam đáp ứng tốt nhu cầu du lịch kết hợp hội nghị (MICE) như Hội An, Tràng An, Yên Tử... Đoàn khách Ấn Độ 4.500 người là dịp tập dượt đối với người làm du lịch Việt Nam. Ông Vũ Quốc Trí - Tổng thư ký Hiệp hội Du lịch Việt Nam - nhận định, các chương trình du lịch MICE đạt hiệu quả kinh tế cao, thu hút khách du lịch số lượng lớn thay vì gom nhặt các tour nhỏ.

"Sự kiện du lịch Việt Nam đón đoàn 4.500 khách du lịch Ấn Độ mang tính thử lửa, giúp chúng ta nhận ra những tiềm năng, bài học kinh nghiệm khi đón đoàn khách quy mô lớn. Về chủ trương phát triển du lịch MICE gắn với điểm đến cụ thể, Việt Nam hiện có nhiều điểm đến xanh đáp ứng tốt yêu cầu này như Hội An (Quảng Nam), Yên Tử (Quảng Ninh), Tràng An (Ninh Bình)…", ông Vũ Quốc Trí nhận định.

Ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam khẳng định, du lịch MICE (du lịch kết hợp hội nghị hội thảo) là thế mạnh của du lịch Việt Nam, hướng tới dòng khách chi trả cao.

BOX: Việt Nam cũng đang là điểm đến hấp dẫn những ngôi sao quốc tế, tỷ phú, doanh nhân. Tháng 4/2024, CEO Apple Tim Cook cũng có chuyến du lịch ngắn ngày tại Việt Nam. Đầu tháng 3/2024, tỷ phủ Bill Gates và bạn gái có chuyến du lịch 4 ngày đến Đà Nẵng… Nhóm khách hàng đặc biệt này không những mang lại doanh thu cao cho các cơ sở lưu trú, dịch vụ du lịch mà còn giúp nâng cao uy tín, danh tiếng của điểm đến.

Số liệu Tổng cục Thống kê cho biết, lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam tháng 8/2024 đạt 1,43 triệu lượt, tăng 24,5% so với tháng trước và tăng 17,7% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 8 tháng đầu năm 2024, tổng lượng khách quốc tế đạt gần 11,4 triệu lượt, tăng 45,8% so với cùng kỳ năm 2023 và tăng 1,0% so với cùng kỳ năm 2019.

Về quy mô thị trường, hai thị trường Hàn Quốc và Trung Quốc đóng góp gần 1/2 tổng số khách quốc tế đến Việt Nam. Trong đó, Hàn Quốc tiếp tục là thị trường gửi khách lớn nhất của Việt Nam với hơn 3 triệu lượt (chiếm 26,4%). Trung Quốc xếp ở vị trí thứ hai, đạt trên 2,4 triệu lượt (chiếm 21,4%).

Các vị trí tiếp theo là Đài Loan ( Trung Quốc )(xếp thứ 3, với 850 nghìn lượt), Mỹ (xếp thứ 4, với 529 nghìn lượt), Nhật Bản (xếp thứ 5, với 461 nghìn lượt). Trong Top 10 thị trường lớn nhất của du lịch Việt Nam còn có Úc (315 nghìn lượt), Malaysia (313 nghìn lượt), Ấn Độ (312 nghìn lượt), Campuchia (295 nghìn lượt), Thái Lan (274 nghìn lượt).

Đoàn 4.500 khách Ấn Độ đến Việt Nam: Tín hiệu năm du lịch khởi sắc  - Ảnh 3.

Đáng chú ý, lượng khách quốc tế đến Việt Nam tháng 8/2024 tăng 24% so với tháng trước, cho thấy tín hiệu tích cực của thị trường du lịch quốc tế khi chuẩn bị bước vào mùa cao điểm cuối năm. Kết quả này có đóng góp quan trọng đến từ tăng trưởng của các thị trường lớn như Nhật Bản (81,1%), Hàn Quốc (36,2%), Trung Quốc (23,2%); ở châu Âu là Anh (35,1%), Pháp (54,9%), Nga (36,3%), Tây Ban Nha (171,7%), Italy (289,1%).

Tính chung 8 tháng đầu năm 2024, tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng 45,8% so với cùng kỳ năm 2023. Hầu hết các thị trường đều ghi nhận tăng trưởng, trong đó có các thị trường lớn khu vực Đông Bắc Á: Trung Quốc (157,7%), Hàn Quốc (32,4%), Nhật Bản (32,0%), Đài Loan (Trung Quốc) (70,6%).

Đáng chú ý, thị trường khách Hàn Quốc tăng 32,4% so với cùng kỳ năm 2023 và tăng 7,5% so với cùng kỳ năm 2019, thời điểm trước dịch COVID-19 (tương đương 210 nghìn lượt khách). Các thị trường Đông Nam Á đạt tăng trưởng tốt như Indonesia (100%), Philippines (59,4%), Malaysia (7,0%), Campuchia (15,1%), Singapore (5,4%). Chỉ có thị trường Thái Lan giảm 14,7%.

Thị trường tiềm năng Australia (25%) tăng trưởng rất khả quan, được thúc đẩy từ các hoạt động kết nối, hợp tác xúc tiến du lịch của Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam và các địa phương, doanh nghiệp của Việt Nam với các đối tác của Úc thời gian qua. Từ ngày 9-17/9 tới đây, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam sẽ tổ chức chương trình giới thiệu du lịch Việt Nam tại Australia và New Zealand.

Đặc biệt, thị trường Ấn Độ cũng liên tục tăng trưởng (+26,3%), phản ánh tiềm năng lớn của thị trường này. Vừa qua, ngành du lịch đã đón đoàn 4.500 khách du lịch MICE từ Tập đoàn dược phẩm lớn nhất Ấn Độ sang du lịch Việt Nam, cho thấy còn rất nhiều dư địa để gia tăng thu hút thị trường khách Ấn Độ trong thời gian tới.

Các thị trường khu vực châu Âu tiếp tục tăng trưởng mạnh trong 8 tháng đầu năm (42,7%). Hầu hết các thị trường đều tăng trưởng khả quan, trong đó có các thị trường chính như Anh (22,0%), Pháp (30,1%), Đức (25,6%), Nga (80,4%). Bên cạnh đó là Italia (64,0%), Tây Ban Nha (34,7%), Ba Lan (43,5), Đan Mạch (21,8%), Thụy Sỹ (19,2%), Thụy Điển (22,9%), Bỉ (19,7%), Na Uy (15,6%)...

Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam ghi nhận, việc các thị trường châu Âu liên tục tăng trưởng cho thấy hiệu quả từ chính sách thị thực thông thoáng cũng như hàng loạt chiến dịch xúc tiến, quảng bá sôi động của Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam và các địa phương, doanh nghiệp tại các thị trường chính như Pháp, Đức, Italy, Nga.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước