Trong tiếng nhạc cồng chiêng rộn ràng vang vọng, những người đàn ông Bahnar đang cùng nhau so tài khả năng giữ thăng bằng lâu trên đôi cà kheo.
Không chỉ di chuyển nhịp nhàng theo điệu cồng chiêng, họ thậm chí còn có thể nhảy múa, tạo không khí vui tươi cho cả cộng đồng tham gia.
Ông Ngrap (Trưởng làng Ktăng, xã Kdang, huyện Đak Đoa, Gia Lai) vui vẻ nói: "Vui mình trao đổi chạy thi vui. Cà kheo đây phải người đi cứng cáp, lựa cây tre chắc làm được, tre già mới được. Buôn làng mà có cà kheo, đánh chiêng tụ họp với nhau đông. Làng mấy đứa nhỏ cũng hay thi đua chạy giống như môn thể thao, có người chạy một chân thi với nhau".
Bắt nguồn từ xa xưa, cứ đến mùa mưa Tây Nguyên, đường làng lầy lội bùn đất, do đó bà con đã sáng tạo ra cà kheo để di chuyển thuận tiện.
Đặc biệt, trong nhiều lễ hội truyền thống, hay lễ hội đường phố, người dân và du khách rất thích thú khi chứng kiến những màn trình diễn, quen mà lạ, kết hợp giữa cồng chiêng với cà kheo.
Chị Ngô Phương Thúy, một du khách, nhận xét: "Màn đi cà kheo khéo léo uyển chuyển. Văn hóa của đồng bào ở đây thật tuyệt vời".
Trên đôi cà kheo bằng tre hoặc gỗ, những người con của núi rừng Tây Nguyên di chuyển nhẹ nhàng, uyển chuyển, kết hợp sức mạnh, khéo léo, sự dẻo dai, tạo nên những màn trình diễn đặc sắc, lôi cuốn của loại hình nghệ thuật đậm chất dân gian.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!