Những địa phương có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống... đã tập trung khuyến khích người dân phát triển loại hình du lịch làng bản, tham gia phục vụ du lịch của cộng đồng.
Thôn Chì, xã Xuân Giang, cách trung tâm huyện Quang Bình, Hà Giang 14km - nơi đây có 4 dân tộc cùng sinh sống là Tày, Kinh, Nùng, Dao, trong đó, dân tộc Tày chiếm đa số. Đến với thôn Chì, du khách sẽ được tìm hiểu nghề dệt thổ cẩm truyền thống. Từ bàn tay tài hoa của người phụ nữ Tày, đã tạo ra những nét hoa văn độc đáo.
Bà Hoàng Thị Tiền (Xã Xuân Giang, Quang Bình, Hà Giang) cho biết: "Du khách cũng được xem và trải nghiệm nghề làm nón hai mê. Tháng 11/2023, nghề thủ công này ở xã Xuân Giang đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Chiếc nón lá 2 mê của người Tày là vật kỷ niệm của cha mẹ trao cho con gái khi về nhà chồng, và cũng là vật dụng hàng ngày che mưa che nắng".
Gần đây, người dân cũng đã biết áp dụng mạng xã hội để quảng bá du lịch cộng đồng.
Ông Tăng Trung In - Phó Chủ tịch UBND huyện Quang Bình, Hà Giang - nhấn mạnh: "Du lịch cộng đồng không chỉ giúp người dân nâng cao thu nhập từ các công việc truyền thống, mà còn tạo liên kết bền vững nhiều ngành kinh tế, mở rộng thị trường cho các sản phẩm hàng hoá dịch vụ".
Xác định du lịch là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn, các địa phương tại Hà Giang chú trọng đầu tư bài bản, phát triển kinh tế du lịch một cách bền vững gắn liền với sinh kế của người dân; xây dựng những sản phẩm du lịch đặc trưng gắn với bảo vệ môi trường, bảo tồn truyền thống dân tộc.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!